“Chỉ mặt, chỉ tên” công chức vô cảm với khó khăn của doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đang tạo ra nhiều thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động của cả bộ máy hành chính, với mục tiêu coi doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ.
Cộng đồng doanh nghiệp bước đầu đã có niềm tin và cảm nhận được sự thay đổi mạnh mẽ trong hành động quyết liệt của Chính phủ. Tuy vậy, ở một số cấp Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng chây ỳ, gây khó khăn về mặt thủ tục pháp lý… khiến nhiều doanh nghiệp quan ngại về tính nhất quán trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mà Chính phủ đang hướng tới.
Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông than phiền địa phương chậm hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. (Ảnh minh họa: Zing) |
Vẫn còn những công chức vô cảm
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Bảo đảm tính nhất quán trong tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 14/3, ông Nguyễn Công Đốc, Giám đốc Công ty may Hải Anh (Nam Định) cho biết, những thay đổi trước mắt về thủ tục hành chính thuế, hải quan phần nào đã tạo niềm tin, hứng khởi cho doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, ông Đốc cho rằng, phía doanh nghiệp rất cần có thêm niềm tin vào sự nhất quán về mặt chủ trương, chính sách pháp luật khi quyết định đầu tư, mở rộng kinh doanh sang những lĩnh vực khác, nhất là trong việc tạo điều kiện giải quyết các vướng mắc về mặt thủ tục trong quá trình chuyển đổi.
Là một doanh nghiệp có địa bàn hoạt động rộng, phải xử lý nhiều mối quan hệ từ các Bộ, ngành đến các địa phương, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) thấy ở nhiều cấp vẫn có những bộ phận công chức chưa thực sự chuyển động theo chỉ đạo của Thủ tướng trong tạo điều kiện về môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp khi họ có nhu cầu.
Doanh nghiệp cho rằng, khi còn một số nơi chưa thay đổi thì hệ thống bộ máy vẫn chưa thực sự chuyển động. Do đó, các địa phương rất cần học tập mô hình lập Tổ công tác của Chính phủ, từ đó đánh giá quá trình giải quyết công việc tại chính các địa phương mình.
Đặc biệt là phải “chỉ mặt, chỉ tên” những công chức có thái độ vô cảm, chậm trễ hoặc vận dụng chính sách theo hướng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Có như vậy chủ trương của Chính phủ mới thực sự bền vững.
“VIDIFI đã ứng tiền giải phóng mặt bằng cho một số địa phương từ 6 năm nay, dù đã có chỉ đạo của các Bộ, ngành nhưng hiện nay vẫn chưa được địa phương giải quyết. Trong khi tiền tạm ứng doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất cao, thiệt hại do sự chậm trễ này lại không quy được trách nhiệm cụ thể cho cá nhân nào, nên rất cần có quy chế chịu trách nhiệm trong những trường hợp tương tự”, ông Tỉnh đề xuất.
Thái độ của người đứng đầu và lợi ích quốc gia
Lý giải sự chậm chuyển biến tại một số Bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tính không nhất quán, sự trùng lặp thậm chí mâu thuẫn trong quy định của pháp luật đối với thực tiễn hoặc giữa các Bộ, ngành hay giữa Trung ương và địa phương… từ nhiều năm qua vẫn là câu chuyện phổ biến.
TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, có một thực tế là các Bộ, ngành thường ban hành các quy định, văn bản pháp luật theo hướng nghiêng về quan điểm, cách thức nhìn nhận, thậm chí có lợi ích của mình để kéo những thuận lợi về cho mình và đẩy những khó khăn về cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, khi doanh nghiệp thực thi chính sách pháp luật, họ không phải chỉ thực hiện theo 1 văn bản mà hàng chục văn bản. Từ đó đã dẫn tới tình trạng nếu thực hiện theo đúng văn bản này thì lại sai đối với văn bản khác. Đây là điểm mà các công chức lạm dụng để “hành” doanh nghiệp.
“Công chức cứ căn cứ theo nguyên tắc để giải quyết công việc theo kiểu tạo điều kiện cũng được, không giải quyết cũng đúng và phần đúng luôn nghiêng về phía các công chức nhà nước với lời giải thích “đúng với quy định của nhà nước”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu thực tế.
Bất bình với sự vô cảm của một bộ phận cán bộ công chức nhà nước, TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu các công chức nhà nước có tinh thần chia sẻ, đồng hành với người dân và doanh nghiệp thì mọi việc đều có thể giải quyết linh hoạt, nhanh chóng, ổn thỏa vì sự phát triển.
“Ở đây có phần liên quan đến quá trình hoạch định chính sách, công tác phối hợp, quan điểm xử lý vấn đề cũng như thái độ, cách thức làm việc của hệ thống công chức nhà nước có liên quan. Nếu như quy định của pháp luật chưa thay đổi, nhưng công chức thay đổi thái độ làm việc với tinh thần kiến tạo, phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là mục tiêu phấn đấu thì họ sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc”, TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét.
Từ thực tế này, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, phải thay đổi cách thức tiếp cận và xây dựng chính sách. Trong đó rất cần có sự phối hợp nhiều hơn và trên hết là xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp thì việc xử lý vấn đề sẽ giải quyết được ở bất kì cấp bậc nào.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp Bộ, ngành và địa phương, TS. Nguyễn Đình Cung mong muốn những cá nhân này phải vào cuộc cùng với Thủ tướng, nếu cứ bình thường như các công chức khác thì mọi vướng mắc dù nhỏ cũng đều trở nên khó khăn. Quan trọng nhất là khi nhìn về lợi ích của quốc gia để giải quyết vấn đề, mọi vướng mắc về mặt pháp lý đều có thể được xử lý./.