Cấp phép các ca khúc nằm lòng công chúng là vô duyên
Thời gian qua, những tranh cãi xoay quanh việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn cập nhật 300 ca khúc vào danh sách được phổ biến rộng rãi đã tạo nên nhiều phản ứng trong dư luận.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đặc biệt trong việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng vừa được cấp nhật vào danh mục các ca khúc phổ biến rộng rãi. |
Là nhạc sĩ gắn bó nhiều năm với đời sống âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Phó Đức Phương rất hồ hởi khi đọc được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong việc chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Theo đó, các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, với sự chỉ đạo này, sẽ không tồn tại cơ chế xin cấp phép phổ biến các ca khúc sáng tác trước năm 1975 gây bức xúc dư luận như thời gian qua.
"Việc tất cả cá nhân, tổ chức xã hội sử dụng tác phẩm của các tác giả và chủ sở hữu quyền thì phải xin phép tác giả và chủ sở hữu. Luật đã ghi rõ. Còn các cơ quan quản lý nhà nước thì có trách nhiệm khác, phải kiểm duyệt, phải phát hiện những tác phẩm mà nó ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục như văn bản Bộ Văn hóa đã ra. Tuy nhiên khi phát hiện và ngăn cấm một tác phẩm nào mà nó có hại thì phải giải thích, khi ngăn cấm 1 tác phẩm thì không thể dựa vào quyết định của một, hai người mà cần có một hội đồng", nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.
Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên trong chiến tranh có những bài hát vừa ra đời là được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Đã có hàng chục triệu người hát bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng” mà nay lại đòi hỏi có giấy phép xin phép là vô duyên.
"Tại sao lại quản lý những chuyện như thế, hãy để đời sống người ta chấp nhận. Tôi thấy cách làm như thế rất buồn cười. Kể cả bài Quốc ca cho đến bài "Như có Bác trong ngày đại thắng" của tôi bây giờ mới được phổ biến rộng rãi, bên Bộ giải thích bảo là chỉ để cập nhật thì đấy là vấn đề không cần thiết", nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết.
Trước những bức xúc của dư luận cũng như thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục Trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn phải lên tiếng thừa nhận: "Với cương vị là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, tôi xin nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm và cũng xin lỗi độc giả vì phương pháp làm việc của chúng tôi đã gây hiểu lầm và bức xúc cho bạn đọc. Để triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi có đưa ra 2 phương pháp, phương pháp thứ nhất là cập nhật những bài hát được phổ biến rộng rãi, phương pháp thứ hai là cập nhật những bài hát cấm như ý kiến của nhiều người. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chúng tôi nhận thấy rằng phương pháp cập nhật danh sách những bài hát được phổ biến rộng rãi thuận lợi hơn. Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo trực tiếp là không cập nhật những bài hát được phổ biến rộng rãi lên website".
Tại cuộc gặp báo chí sáng 23/5, ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã ra văn bản khẳng định: “Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm hại lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác...”.
"Hiện nay Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang tiếp tục rà soát, bổ sung cập nhật danh sách những bài hát được phổ biến rộng rãi, đối với những ca khúc còn lại mà chưa được cập nhật thì vẫn sử dụng như thời gian vừa qua. Nói một cách cụ thể là những ca khúc có nội dung tốt, không trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và lợi ích của dân tộc, thì đương nhiên được phổ biến rộng rãi không cần cấp phép", ông Nguyễn Thái Bình nói./.