Cảnh báo trộm tiền bằng thẻ ATM giả
Bà N.T.T (Q.7, TP HCM) đi Mỹ từ ngày 18/5, đến chiều 29/5 khi kiểm tra tài khoản ATM mở tại NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) thì phát hiện số tiền 72 triệu đồng đã bị “bốc hơi”. Số tiền này được rút tại máy ATM thông qua 36 giao dịch, mỗi giao dịch rút 2 triệu đồng.
Do đang ở nước ngoài nên bà N.T.T không nhận được tin nhắn các giao dịch này. Theo thông tin từ Vietcombank, bọn tội phạm đã lấy cắp thông tin thẻ của bà N.T.T và rút tiền bằng thẻ giả. Nhà băng này đã khóa thẻ và tạm ứng tiền vào tài khoản của bà N.T.T, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an.
Chủ thẻ cần quan sát máy ATM có thiết bị lạ hay không trước khi thực hiện giao dịch. |
Trường hợp đi rút tiền tại các máy ATM thì cần quan sát có thiết bị nào lạ hay không. Nếu phát hiện hay có nghi vấn thì không nên giao dịch để tránh những rủi ro mất thông tin, mất tiền. Vị phó phòng thẻ khuyến cáo
Trước đó, vào lúc 23 giờ ngày 24/4, tài khoản thẻ ATM của ông Hoàng Minh Tâm (Hà Nội) tại NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) bị rút 94,9 triệu đồng tại ATM Sacombank ở công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM. Sau khi kiểm tra camera, Sacombank xác định kẻ gian đã đánh cắp thông tin để làm thẻ giả rút tiền.
Sacombank cũng hoàn tiền cho khách hàng chỉ trong 1 ngày. Hay trường hợp hy hữu thẻ của ông Nguyễn Minh Dương (TP.HCM) mở tại NH TMCP Đông Á (DongABank) bị mất 129 triệu đồng dù thẻ này đang được Sacombank giữ do trước đó khách hàng rút tiền tại ATM Sacombank mà máy bị trục trặc. DongABank cũng đã tạm hoàn tiền cho chủ thẻ và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an.
Gắn thiết bị ăn cắp thông tin ở máy ATM
Hình thức đánh cắp thông tin tài khoản chủ thẻ ATM mà bọn tội phạm thực hiện không mới, nhưng đang có xu hướng rộ trở lại. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Bkav, giải mã chiêu thức ăn cắp thông tin như sau: Bọn tội phạm gắn các thiết bị bên ngoài khe đọc thẻ ATM (skimmer). Khi người dùng đưa thẻ vào, thiết bị này sẽ đọc thông tin thẻ, trong khi một camera gắn lén ở vị trí phù hợp ghi lại thao tác nhập mật khẩu (PIN) của người dùng. Dữ liệu thẻ lấy cắp sau đó được in lên thẻ trắng (phôi) bằng máy in thẻ, tạo thành các thẻ giả và sử dụng cùng với mã PIN quay lén được để rút tiền từ tài khoản người dùng.
Khi đã lấy được thông tin thẻ ATM của khách hàng, bọn tội phạm thường thực hiện rút tiền vào khuya hoặc khoảng 1 - 4 giờ sáng. Đây là thời điểm chủ thẻ khó phát hiện tiền trong tài khoản đang bị rút để thông báo cho NH khóa thẻ.
Nhóm 3 người Trung Quốc vừa bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - Công an TP.Hà Nội) khởi tố, bắt giam, do dùng thẻ ATM giả để rút tiền tại các cây ATM trên địa bàn Hà Nội.
Không chỉ đánh cắp thông tin tài khoản chủ thẻ trong nước, bọn tội phạm còn sử dụng các thông tin đánh cắp ở nước ngoài vào VN thực hiện rút tiền. Vào đầu tháng 5, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố 3 người Trung Quốc về hành vi sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản. Ba người này đã mang vào VN 110 thẻ nhựa ATM và sử dụng thẻ ATM giả rút tiền ở các máy ATM trên địa bàn Hà Nội.
Vì sao chưa thay thẻ từ kém an toàn?
Theo báo cáo Global Risk 2015 của Diễn đàn kinh tế thế giới, thiệt hại do tội phạm mạng gây ra cho nền kinh tế toàn cầu là hơn 445 tỉ USD/năm, tại VN là 8.700 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng lớn là lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Đánh cắp thông tin thẻ, làm thẻ giả rút tiền là một trong những thủ đoạn lấy cắp tiền đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hầu hết những trường hợp bị đánh cắp thông tin thẻ ATM trong nước đều là những thẻ được làm bằng công nghệ băng từ (thẻ từ). Số thẻ trên thị trường hiện nay, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), là 111 triệu thẻ tính đến cuối năm 2016, trong đó chủ yếu thẻ nội địa sử dụng công nghệ băng từ. Ông Ngô Tuấn Anh đánh giá: “Các NH vẫn đang phát hành thẻ ATM sử dụng công nghệ băng từ, loại thẻ bảo đảm an toàn thông tin dữ liệu không cao và rất dễ bị sao chép. Đây cũng là một trong những lý do khiến VN được xem là “mảnh đất màu mỡ” đối với các loại tội phạm làm giả thẻ ATM”.
Không chỉ chuyên gia về công nghệ mà giới NH cũng thừa nhận thẻ từ có tính an toàn không cao như thẻ dùng công nghệ chip. Ngay trong phần lưu ý khách hàng sử dụng thẻ, Sacombank cũng cho rằng “với khách hàng đang sử dụng thẻ từ, nhược điểm của thẻ này là công nghệ chưa cao nên dễ bị làm giả. Nhằm đảm bảo an toàn, Sacombank tiến hành thực hiện các dự án chuyển đổi từ thẻ công nghệ từ sang công nghệ chip thông minh”.
Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đã được các tổ chức trong và ngoài nước khuyến cáo thực hiện từ gần 10 năm trở lại đây, thế nhưng như đã nói trên, VN vẫn sử dụng thẻ từ là chính. Gần đây NHNN đã đưa ra lộ trình để các NH thực hiện cuốn chiếu thay đổi thẻ từ sang thẻ dùng chip đến năm 2020. Phó phòng thẻ của một NH cho biết, thay đổi từ công nghệ từ sang chip đòi hỏi các NH đầu tư rất nhiều, từ phôi thẻ đến các máy chấp nhận thẻ.
Chi phí đầu tư này cao gấp nhiều lần đầu tư công nghệ băng từ nên các NH vẫn chưa mặn mà dù biết công nghệ chip an toàn hơn. Ông Ngô Tuấn Anh nhận xét: “Trên thực tế việc sử dụng thẻ chip có thể ngăn chặn được kỹ thuật đánh cắp tiền trong thẻ ATM bằng thiết bị skimmer. Tuy nhiên, thay đổi công nghệ cũng như đầu tư mới một số lượng lớn máy ATM trên toàn quốc cũng như phát hành lại thẻ cho người dùng không phải là chuyện một sớm một chiều. Do đó, hiện tượng đánh cắp tiền trong thẻ ATM sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Chủ thẻ cần có trách nhiệm khi sử dụng thẻ, giữ được bí mật thông tin thẻ khi giao dịch trực tuyến hoặc tại các máy ATM, POS”.
Tương tự, vị phó phòng NH nói trên cho rằng công nghệ chip cũng chưa hẳn đã an toàn, kể cả trường hợp sử dụng dấu vân tay được xem là an toàn nhất hiện nay cũng đã bị phát hiện lấy cắp thông tin trên thế giới. Do đó, thói quen sử dụng của chủ thẻ vẫn là yếu tố bảo đảm an toàn hàng đầu.
Thực tế ở Việt Nam, chủ thẻ thường đưa thẻ cho nhân viên bán hàng "quẹt" trên các thiết bị chấp nhận thẻ POS mà không quan sát. Điều này cũng dễ có nguy cơ các thông tin thẻ bị đánh cắp. Do vậy chủ thẻ phải giám sát thẻ trong tầm mắt, trường hợp đi rút tiền tại các máy ATM thì cần quan sát có thiết bị nào lạ hay không. Nếu phát hiện hay có nghi vấn thì không nên giao dịch để tránh những rủi ro mất thông tin, mất tiền.
Trước những vụ việc trộm tiền trong tài khoản ATM gia tăng, NHNN vừa chỉ đạo các NH trang bị đầy đủ thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ cho hệ thống ATM; thực hiện nâng cấp các thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ, đảm bảo kiểm soát hiệu quả việc lắp đặt thiết bị sao chép dữ liệu của tội phạm tại máy ATM... NHNN yêu cầu các NH bố trí nhân viên thường xuyên kiểm tra ATM ở các khung giờ khác nhau để kịp thời phát hiện các thiết bị lạ dùng để lấy cắp thông tin khách hàng được gắn vào máy ATM./.