Cần thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ trong nước
Tăng trưởng kinh tế 2019 có thể đạt 7,02%
Theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban phân tích và dự báo, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2018 là một năm đầy biến động, mở đầu bằng chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và cuộc chiến này kéo dài đến hôm nay. Sự biến động này mở ra những cơ hội, thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó, lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4%. Đây là thành công lớn của Chính phủ. Trong đó có đóng góp của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá dù bối cảnh tâm lý thị trường vẫn khá bất ổn và một số yếu tố nội tại của nền kinh tế tuy đã cải thiện nhưng chưa thực sự bền vững.
“Chính sách tiền tệ có sự linh hoạt, thận trọng nhất định cũng hỗ trợ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó có cơ hội ổn định mặt bằng lãi suất. Lạm phát và tỷ giá được kiểm soát là tiền đề cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng.”, TS Đặng Đức Anh cho hay.
Kinh tế vĩ mô vẫn được ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4% (Ảnh minh hoạ: KT) |
Tuy nhiên, TS. Đặng Đức Anh cũng thẳng thắn cho rằng, cải thiện chất lượng tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Đóng góp của yếu tố nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng được cải thiện, tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc tín dụng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn còn hạn chế. Chưa có sự cải thiện nhiều về khả năng sử dụng vốn, năng suất lao động.
Bên cạnh đó, việc vẫn gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc tuy tận dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ nhưng sẽ có tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp (DN). Cụ thể: DN có xu hướng thiếu đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; các DN vẫn tận dụng máy móc thiết bị cũ nên cạnh tranh của hàng hóa sẽ rất thấp trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
Dự báo về kinh tế năm 2019, ông Đặng Đức Anh cho rằng, trong bối cảnh thương mại quốc tế được dự báo sẽ suy giảm, giá cả hàng hóa quốc tế, đặc biệt là giá hàng nguyên liệu có xu hướng biến động, một số nước lớn sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng cường chính sách bảo hộ thương mại, cùng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.
“Những rủi ro của kinh tế Việt Nam đến từ việc tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào FDI, khi xu hướng đóng góp của FDI cho nền kinh tế ngày càng mở rộng, trong khi đó phần đóng góp của khu vực trong nước giảm. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền ở mức cao kéo dài cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ quốc gia và mất ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, độ mở tài chính quốc gia hiện cao hơn trình độ phát triển của nền kinh tế, chưa kể tỷ lệ nợ công cao và nghĩa vụ trả nợ lớn”, ông Đặng Đức Anh chỉ rõ.
Hiện Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2019. Theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 6,84% và kịch bản cao sẽ là 7,02%. Sự khác nhau giữa hai kịch bản phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế thế giới và tỷ lệ chi đầu tư phát triển.
“Nếu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và thu hút FDI, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế thì chúng tôi thấy có tác động tích cực. Cùng với việc thực hiện các FTA thì tốc độ tăng trưởng có thể đạt khoảng 6,9%. Đặc biệt nếu cải cách mạnh mẽ khu vực DNNN thì có thể tăng trưởng cao hơn”, ông Đức Anh dự báo.
Nền tảng cho tăng trưởng
Theo đại diện Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu nhiều tác động từ sự bất ổn của kinh tế thế giới như biến động về tỷ giá, biến động trên thị trường chứng khoán, thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục tăng; dòng chảy FDI từ Trung Quốc không rõ ràng…
"Trước diễn biến phức tạp, khó lường của nền kinh tế thế giới, nhất là chính sách bảo hộ thương mại giữa các quốc gia hay chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc thì việc đẩy mạnh tăng trưởng khu vực tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động... là động lực tăng trưởng kinh tế của nước ta trong giai đoạn tới", TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Còn theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng cho giai đoạn trung, dài hạn vẫn chưa được định hình. Động lực tăng trưởng chính là khu vực tư nhân vẫn bị kìm hãm, gặp nhiều khó khăn do cải cách bộ máy nhà nước diễn ra còn chậm, không đồng đều giữa các cấp. Do đó, dù nhiều chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển khu vực này nhưng vẫn chưa đi được vào cuộc sống...
Ông Hồ cho rằng, từ trước đến nay nhắc đến động lực tăng trưởng kinh tế chúng ta hay nhắc tới động lực từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tuy nhiên, với việc chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu thì động lực này không có ý nghĩa gì nhiều bởi nó chưa củng cố được nội lực của nền kinh tế.
“Đừng theo đuổi động lực FDI, mà cần quay về động lực trong nước, động lực từ khu vực tư nhân. Nền tảng tăng trưởng sắp tới phải là kinh tế tư nhân và phải xác định rõ cần thúc vào đâu để tư nhân mạnh lên nữa”, TS Lưu Bích Hồ nêu ý kiến.
Dẫn ví dụ từ việc cải cách doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, TS Lưu Bích Hồ cho rằng, công cuộc cải cách nền kinh tế cần mạnh mẽ hơn, còn nếu cứ cải cách ì ạch như thế này thì rất khó để phát triển nhanh và thực chất.
“Động lực cải cách là phải chấm dứt xin cho, trên nóng dưới lạnh. Nếu không thay đổi được bộ máy, không làm cho chính sách đi vào cuộc sống thì tăng trưởng kinh tế theo đó sẽ vẫn rất “xốp” chứ không chắc chắn, vẫn chỉ là tăng trưởng về số lượng chứ chưa thực sự tăng trưởng về chất lượng”, TS Lưu Bích Hồ cảnh báo./.