Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ - cơ hội giúp trẻ hòa nhập cộng đồng
Giáo viên luôn theo sát mọi trò chơi với trẻ tự kỷ

Không phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, 4 tuổi, bé Thào Bùi Bảo An vẫn chưa phát âm được những câu rõ nghĩa, bé thường rụt rè, ít nói và sống thu mình. Sau khi đi khám, gia đình mới biết bé bị chứng tự kỷ.

Bà Ma Thị Thúy, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Khi biết cháu bệnh tự kỷ gia đình rất buồn. Sau đó tìm các thông tin để đưa cháu đến nơi tin tưởng để cháu có cơ hội phát triển bình thường cùng bạn bè” .

Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ em, được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về khả năng tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và những hoạt động mang tính hạn hẹp, định hình. Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, ước tính trên toàn thế giới, cứ 160 trẻ thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Còn tại Việt Nam. Còn tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 200.000 người có chứng tự kỷ và con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trọng Tiến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Tư vấn tâm lý hỗ trợ và phát triển cộng đồng Thái Hà, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Tôi cho rằng đó là nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến chứng bệnh tự kỷ. Đó là sự quan tâm của gia đình,đặc biệt là ố mẹ của những gia đình trẻ hiện nay khi gặp phải áp lực công việc, đi làm từ sáng đến tối. Thời gian gần gũi con cái không có cho nên đôi khi xao nhãng, sự giao tiếp với trẻ cũng ít đi”.

Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ - cơ hội giúp trẻ hòa nhập cộng đồng
Sự quan tâm và phương pháp giáo dục phù hợp của giáo viên sẽ giúp trẻ tự kỷ tiến bộ trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Để trị liệu cho những trẻ tự kỷ có hiệu quả, có nhiều phương pháp trị liệu như: phương pháp giáo dục hướng dẫn trẻ tự kỷ kỹ năng sống tự lập và hòa nhập khi trưởng thành; Ứng dụng phân tích hành vi, âm ngữ trị liệu; Điều hòa giác quan; Tâm vận động; Trị liệu nhóm; Trị liệu cá nhân và âm nhạc….Trong đó, sự yêu thương, gần gũi và nhẫn nại đối với các bé là yếu tố quan trọng trong quá trị điều trị cho trẻ tự kỷ.

Chị Nông Thu Hà, Trung tâm nghiên cứu, Tư vấn tâm lý hỗ trợ và phát triển cộng đồng Thái Hà, thành phố Thái Nguyên cho rằng: "Cái yếu tố quan trọng nhất theo em là phải yêu nghề bằng cái tâm. Thể hiện sự kiên trì, yêu thương các con, dõi theo các con từng ngày. Ở đây có lớp bán trú, được theo dõi, thấy sự tiến bộ từng ngày của các con là các cô vui lắm”.

Việc phát hiện sớm trẻ tự kỷ là một vấn đề cấp bách và rất quan trọng, bởi nếu được phát hiện sớm, các em sẽ có nhiều cơ hội để trị liệu và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, điều đáng báo động là nhiều bậc cha, mẹ không phát hiện ra con mình tự kỷ hoặc không chịu thừa nhận con mình mắc chứng bệnh này, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn. Phần đông trẻ được chẩn đoán tự kỷ khi đã quá 3 tuổi.

Theo thống kê, hiện nay tỉnh Thái Nguyên có khoảng 0,1% số trẻ em bị mắc bệnh tự kỷ, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do yếu tố gia đình. Do vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm, sát sao hơn nữa đối với con em mình, để sớm phát hiện và can thiệp điều trị, giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao./.