Cận Tết, 3 người tử vong vì rượu quê giả pha methanol
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, các trường hợp ngộ độc rượu đều là nam giới, tuổi từ 40 - 50, được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch vì hôn mê, ngừng tim, tụt huyết áp, tổn thương thận, tổn thương não.
Một bệnh nhân ngộ độc rượu được xác định có cồn công nghiệp methanol cao, tổn thương não. Ảnh: H.Hải |
Trong đó, 3 trường hợp xác định có hàm lượng methanol cao (hơn 120mg/dl) trong máu đều uống rượu cùng một khu vực gần BV 198 (Hà Nội). Cả 3 đều được đưa vào đây cấp cứu trước khi chuyển đến Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai).
“Bình thường, methanol không được phép có trong cơ thể. Khi đến ngưỡng 20mg/dl là đã đe dọa tổn thương thần kinh”, BS Nguyên cho biết.
Cá biệt, có những ca bệnh xét nghiệm hàm lượng methanol trong máu gần 300mg/100ml, trong khi hàm lượng ethanol không có, cho thấy rượu uống vào chủ yếu là methanol.
Mới nhất là trường hợp bệnh nhân nghiện rượu lâu năm 45 tuổi ở Ninh Bình. Ngày nào bệnh nhân nào cũng uống rượu. Trước đó hôm 22/12 bệnh nhân uống rượu đám cưới, sau đó một ngày bệnh nhân lại đi uống rượu vặt với người quen ở đâu không rõ. Sau đó xuất hiện tình trạng hôn mê gia đình đưa đi cấp cứu, chuyển đến Trung tâm chống độc chiều 25/12.
“Vừa vào đến viện, đưa được người bệnh lên giường bệnh thì hôn mê, huyết áp tụt, ngừng tim. Các bác sĩ cấp cứu tim đập trở lại, xét nghiệm máu sau đó cho thấy hàm lượng methanol đến 300mg/100ml, nghi ngờ tổn thương não. Bệnh nhân nào sau đó gia đình cũng đã xin về vì quá nguy kịch.
Các bệnh nhân ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol đều rất nặng nề. Có trường hợp qua khỏi nhưng di chứng cao như mù, giảm thị lực, mất trí nhớ…
“Ngộ độc rượu methanol nguy hiểm ở chỗ, khi có các biểu hiện rõ ràng như: thở nhanh, mờ mắt, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê lúc này gia đình mới đưa đến viện thì đã muộn bởi đã có tình trạng tổn thương não”, BS Nguyên cho biết.
Vì thế, BS Nguyên khuyến cáo, sau khi uống rượu, nếu thấy xuất hiện tình trạng ngủ lịm, lơ mơ, kích thích quá nhiều… nên đưa bệnh nhân tới viện để được kiểm tra, loại trừ nguy cơ ngộ độc rượu chứa methanol.
BS Nguyên cũng khuyến cáo mọi người trong ngày Tết, tất niên, tân xuân cần “uống có trách nhiệm”. Đặc biệt lưu ý nguồn rượu uống phòng ngừa nguy cơ uống phải rượu giả pha methanol sẽ rất nguy hiểm.
Giải độc trong ngày đầu tiên uống rượu là tốt nhất!
“Việc giải độc thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất trong ngày đầu tiên uống rượu. Khi đó cơ hội cứu người bệnh cao hơn do chất độc methanol chưa tấn công não, thần kinh, cơ quan nội tạng…”, BS Nguyên cho biết.
Trên thực tế, ngày nào tại Trung tâm cũng có ca nhập viện vì ngộ độc rượu vào viện vì bất tỉnh, lơ mơ, nôn nhiều. Sau khi theo dõi, xác định không phải methanol, người bệnh phục hồi nhanh chóng, được ra viện.