Cam thảo có thể làm giảm khả năng sinh sản
Hợp chất isoliquiritigenin của cam thảo có liên quan với giảm sản xuất nội tiết tố nữ. |
Được công bố trên tạp chí Reproductive Toxicology, nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với hợp chất cam thảo isoliquiritigenin làm giảm biểu hiện của các gen liên quan đến sản sinh hoóc môn sinh dục, dẫn đến giảm sản sinh estrogen.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Illinois không cho biết hoóc môn sinh dục ảnh hưởng sức khỏe sinh sản như thế nào, nhưng họ nói rằng mức giảm tương tự ở người có thể có những tác động nghiêm trọng đối với khả năng sinh sản.
Cam thảo là một vị thuốc quen thuộc trong Đông y. Rễ cam thảo có chứa một hợp chất ngọt hơn đường khoảng 50 lần.
Cam thảo đã được sử dụng trong y học từ nhiều thế kỷ. Nghiên cứu cho thấy nó có thể giúp ngăn ngừa loét dạ dày, trị ho và cảm lạnh, giảm chứng khó tiêu, giảm các cơn bốc hỏa khi mãn kinh, và thậm chí làm giảm nguy cơ một số bệnh ung thư.
Chất isoliquiritigenin của cam thảo còn được thêm vào thực phẩm chức năng và trà; nó cũng được sử dụng để tạo hương vị cho một số loại thuốc lá.
Nghiên cứu trước đây trên động vật đã chỉ ra rằng một số hợp chất thực vật có thể ảnh hưởng đến sản sinh hoóc môn estrogen.
Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu muốn xác định xem liệu isoliquiritigenin có tác động tương tự không.
Tiếp xúc với isoliquiritigenin làm giảm một nửa biểu hiện gen aromatase
Nhóm nghiên cứu cho nang trứng của chuột cái tiếp xúc với những nồng độ khác nhau của isoliquiritigenin hoặc một chất đối chứng trong 48-96 giờ. Nang trứng nằm trong buồng trứng, và biểu hiện các gen tham gia vào sản sinh estrogen và các hoóc môn khác.
Khi các nang trứng tiếp xúc với nồng độ cao của isoliquiritigenin, các nhà nghiên cứu nhận thấy giảm biểu hiện của các gen liên quan đến sản sinh hoóc môn sinh dục.
Cụ thể, họ thấy giảm tối thiếu 50% trong biểu hiện của một gen aromatase - một enzym chịu trách nhiệm chuyển testosterone thành estrogen.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng phát hiện này chỉ là là sơ bộ và cần nghiên cứu thêm trên động vật sống. Tuy nhiên, nhóm tin rằng những kết quả ban đầu gợi ý isoliquiritigenin có thể thúc đẩy những trục trặc về sinh sản và các vấn đề sức khỏe khác.
Ủng hộ cho giả thuyết này, các tác giả cũng chỉ ra rằng các chất ức chế aromatase được sử dụng trong điều trị ung thư để ngăn chặn sự phát triển khối u, nhưng một tác dụng phụ của các thuốc này là giảm khả năng sinh sản. Do đó, isoliquiritigenin có thể có hiệu ứng tương tự.
"Điều này có thể dẫn đến kết quả tốt ở những mô nhất định, tùy thuộc vào liều lượng và thời gian tiếp xúc. Tuy nhiên ở buồng trứng, nếu giảm aromatase, bạn cũng giảm estrogen, và do đó khả năng sinh sản có thể bị ảnh hưởng", các tác giả kết luận.