Cải thiện cơ sở hạ tầng - Đòn bẩy thu hút nhà đầu tư tại các khu công nghiệp
Bảng xếp hạng chỉ số Cơ sở hạ tầng năm 2019 |
Chỉ số Cơ sở hạ tầng được đánh giá dựa vào 4 thành phần chất lượng của lĩnh vực hạ tầng cơ bản liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là: các khu/cụm công nghiệp; đường giao thông; các dịch vụ tiện ích cơ bản như viễn thông, năng lượng, tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin. Bình Dương là tỉnh đứng đầu chỉ số Cơ sở Hạ tầng năm 2019, và cũng là tỉnh liên tục dẫn đầu chỉ số này trên cả nước từ nhiều năm nay. Thái Nguyên đứng vị trí thứ 4 trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước được các doanh nghiệp đánh giá có cơ sở hạ tầng tốt nhất năm vừa qua.
Nhà máy sản xuất của công ty cổ phần Aluminium Hàn Việt tại Khu công nghiệp Điềm Thụy |
Công ty cổ phần Aluminium Hàn Việt có nhà máy xây dựng tại Khu công nghiệp Điềm Thụy chuyên sản xuất các loại phôi nhôm billet, phù hợp với các sản phẩm đúc ép có công suất 5.000 tấn/tháng, hiện đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, để chính thức ra mắt sản phẩm vào tháng 11 năm nay. Theo đại diện của công ty cho biết, ngoài sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành trong việc thực hiện các thủ tục thành lập công ty thì cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự vận hành của công ty.
Bà Đinh Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Aluminium Hàn Việt cho biết: “Về cơ sở hạ tầng, ví dụ như điện, đường, nước, rồi môi trường, với địa bàn của công ty tôi rất là thuận lợi. Đặc biệt là gần đường cao tốc, mặt hàng đi tới các nhà máy sản xuất rất thuận lợi.”
Kết quả điều tra năm 2019, tiếp tục ghi nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa chất lượng điều hành và cơ sở hạ tầng của các địa phương. Theo đó, những địa phương có chất lượng điều hành tốt sẽ có xu hướng chất lượng cơ sở hạ tầng cao hơn. Điểm số trung vị của Chỉ số Cơ sở hạ tầng năm 2019 tiếp tục ghi dấu mốc cao nhất qua các năm, 68,45 điểm, vượt qua mốc cao nhất từng có trước đây là 66,06 điểm. Đặc biệt trong số các chỉ tiêu của cơ sở hạ tầng qua các năm, chất lượng viễn thông và chất lượng đường truyền internet là các chỉ tiêu có điểm trung vị cao nhất, nhờ sự đầu tư đồng bộ của các đơn vị cung cấp hạ tầng viễn thông.
Ông Đào Duy Thái, Giám đốc khách hàng doanh nghiệp, Công ty viễn thông Viettel chi nhánh Thái Nguyên cho biết: “Trong chiến lược phát triển của Viettel có chiến lược phát triển hạ tầng, và khu công nghiệp là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu của Viettel Thái Nguyên trong đầu tư hạ tầng. Vì đối với các khu công nghiệp, khi muốn thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI, nhà đầu tư đòi hỏi chất lượng cơ sở hạ tầng rất đa dạng. Hạ tầng không chỉ ưu tiên một đơn vị cung cấp mà phải có ít nhất từ 2 đơn vị cung cấp trở lên, để khi vào sản xuất thì khi một đơn vị mất mạng thì mạng kia sẽ bổ trợ, tránh bị gián đoạn việc sản xuất.”
Thái Nguyên dành nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp |
Với 6 Khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 1.420 ha, Thái Nguyên đã dành nhiều nguồn lực đầu tư xứng đáng để phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp. Tính đến nay, đã có 236 dự án đầu tư tại các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 8,5 tỷ USD và 16 nghìn tỷ đồng. Trong các KCN, hệ thống hạ tầng giao thông, xử lý nước thải, an ninh, phòng cháy chữa cháy... được đầu tư và vận hành đồng bộ. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp chính là kết quả của quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển.
Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Về xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng tôi đã chỉ đạo các doanh nghiệp mà đầu tư cơ sở hạ tầng phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, với kết cấu đồng bộ, hiện đại, để tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy nhanh công tác quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng cường lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm năng, có công nghệ tốt, có thế mạnh để đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.”
Nhiệm kỳ 2020-2025, Thái Nguyên tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược trong đó ưu tiên tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Điều này tạo nền tảng quan trọng trong việc thu hút đầu tư trong giai đoạn mới của địa phương.
Nhận xét về Thái Nguyên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết: “Thái Nguyên là một không gian đầu tư rất thuận lợi và đang có hạ tầng đang phát triển ngày càng nhanh chóng. Thái Nguyên hiện nay nên hướng đến dòng đầu tư có chất lượng cao, không chỉ về số lượng vốn mà về hàm lượng công nghệ, ô nhiễm môi trường được giảm thiểu, đóng góp ngân sách cao.”
Mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và chất lượng điều hành kinh tế địa phương luôn có sự tương quan lẫn nhau. Một cơ sở hạ tầng tốt sẽ giúp các nhà đầu tư tạo ra các cơ hội và thị trường, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.