Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên: Dấu ấn 20 năm phát triển
Việc quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp kết hợp với công tác quản lý xây dựng một cách chặt chẽ, bài bản góp phần vào thành công trong công tác thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp |
Đầu năm 2000, Khu công nghiệp Sông Công I - Khu công nghiệp tập trung đầu tiên của tỉnh được khởi công xây dựng. Những năm đầu xây dựng, tiến hành “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư, mọi hoạt động đều mới mẻ và gặp không ít khó khăn. Trước yêu cầu của thực tế, việc thành lập một bộ máy để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là việc làm cấp thiết vào thời điểm đó. Đồng chí Mai Phúc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Sau khi khởi công, để đi vào hoạt động đòi hỏi phải có bộ máy quản lý và điều hành; do đó Chính phủ đã quyết định cho thành lập 1 Ban Quản lý".
Trong 20 năm qua, với sự ủng hộ, lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương tới cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành của tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã phát huy tinh thần trách nhiệm và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Việc quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp kết hợp với công tác quản lý xây dựng một cách chặt chẽ, bài bản góp phần vào thành công trong công tác thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Đến nay, Thái Nguyên có 6 khu công nghiệp với diện tích 1.420ha, thu hút 236 dự án, trong đó có 119 dự án FDI, 117 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 8,4 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án của các tập đoàn lớn, sử dụng công nghệ cao và thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đến đầu tư.
Ông Kim Do Kyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH KHVatec Hanoi cho biết: "Ngay từ khi triển khai dự án, KHVatec đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên. Nhờ đó, chúng tôi đã hoàn thành dự án sớm hơn kế hoạch và bắt đầu đi vào sản xuất, chúng tôi mong chính quyền tỉnh có sự quan tâm hơn nữa để chúng tôi tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên".
Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã tham mưu xây dựng Quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các khu công nghiệp. Luôn đồng hành, hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy tốt hoạt động của bộ phận “một cửa”. Đây được coi là việc làm “tháo nút thắt” trong hoạt động khu công nghiệp thời gian qua.
Bà Trịnh Thị Thanh Hòa, Trưởng Bộ phận một cửa, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Hiện nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đang có 36 thủ tục hành chính được giải quyết tại Ban, trong quá trình giải quyết nâng cao dịch vụ công mức độ 3, 4 để thuận lợi cho doanh nghiệp".
Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên trao đổi với phóng viên |
Với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức qua các thời kỳ trong suốt 20 năm qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ, các Bộ, Ban ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên. Đây chính là động lực để tập thể cán bộ, đảng viên Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Chúng tôi tập trung tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện các đồ án quy hoạch, để từ đó tham mưu cho UBND tỉnh từng bước thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo động lực kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác; xây dựng bộ máy của Ban tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới".
20 năm một hành trình phát triển, giờ đây, diện mạo các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay theo hướng hiện đại, quy mô. Đây chính là tiền đề quan trọng giúp Thái Nguyên giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tiến tới mục tiêu phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, xứng tầm là trung tâm kinh tế của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Vùng thủ đô Hà Nội./.