Cai nghiện ma túy: Lấy người bệnh làm trung tâm
Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên |
Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên hiện có 3 Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tại TP Thái Nguyên và huyện Phú Bình với tổng quy mô 500 giường bệnh/năm. Các đối tượng đi cai nghiện tại cơ sở theo diện bắt buộc theo quyết định của Tòa án. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, các cán bộ trong Cơ sở luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Anh Đặng Văn tỉnh, Trưởng phòng Quản lý học viên, Cơ sở cai nghiện ma tuý đa chức năng tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Tuy cơ sở vật chất đã xuống cấp, cán bộ còn thiếu nhưng góc độ quản lý về an ninh trật tự rất là tốt. Trong cơ sở không xảy ra trốn tập thể, gây rối tập thể và thẩm lậu các chất kích thích vào trong cơ sở".
Một học viên Cơ sở cai nghiện ma tuý Đa chức năng tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Trước khi vào đây tôi rất yếu, nhưng mà sau 10 tháng cải tạo ở trong này, từ bỏ được ma túy thì bây giờ tôi rất bình thường, khỏe mạnh, ăn uống rất tốt".
Thời gian vừa qua, Cơ sở cai nghiện ma tuý đa chức năng tỉnh Thái Nguyên đã triển khai có hiệu quả nhiều mô hình dạy nghề gắn với lao động trị liệu, giúp các học viên vừa học nghề vừa tham gia lao động sản xuất để rèn luyện sức khỏe và phát triển các kỹ năng hòa nhập cộng đồng.
Một học viên Cơ sở cai nghiện ma tuý Đa chức năng tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi cố gắng bỏ bỏ ma túy để trở thành người tốt, sau này chắc tôi đi làm thợ xây".
Bên cạnh tổ chức cai nghiện theo hình thức bắt buộc, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện đang điều trị cai nghiện ma túy cho hơn 250 học viên tại 05 cơ sở cai nghiện tự nguyện. Để nâng cao hiệu quả công tác điều trị nghiện ma túy, các đơn vị cần có những phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân.
Ông Vũ ngọc Anh, Phó Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và Công tác xã hội thành phố Thái Nguyên cho biết: "Đội ngũ Bác sĩ có nhiều năm trong công tác điều trị cai nghiện, các đồng chí đã nắm bắt được tư tưởng và tình hình sức khỏe cũng như phân loại từng học viên sử dụng các loại ma túy để có cách điều trị cho phù hợp với từng đối tượng".
Các học viên vừa học nghề vừa tham gia lao động sản xuất để rèn luyện sức khỏe và phát triển các kỹ năng hòa nhập cộng đồng |
Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại Từ đã liên kết với một xưởng may ở bên Nga để cung cấp lao động là những học viên đã hoàn thành thời gian cai nghiện |
Bắt đầu từ tháng 9/2022, Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại Từ đã liên kết với một xưởng may ở bên Nga để cung cấp lao động là những học viên đã hoàn thành thời gian cai nghiện. Đến nay đã có 6 học viên sang Nga làm việc với mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mỗi học viên sẽ có thời hạn làm việc 3 năm, có thể gia hạn thêm nếu có nhu cầu.
Một học viên Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại Từ chia sẻ: "Em nghĩ sau khi trở về với cộng đồng thì con đường quay lại với ma túy đối với em rất dễ dàng, nên em lựa chọn đi xuất khẩu lao động để thay đổi cuộc đời của em".
Ông Nguyễn ngọc Thắng, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại Từ cho biết: "Tôi thấy rằng việc đưa các học viên sang may ở nước Nga để giải quyết được việc tiềm ẩn tái nghiện thì học viên và gia đình rất là phấn khởi. Như vậy chúng ta giúp đỡ được những người lầm lỗi để sớm được trở thành những người công dân có ích cho xã hội".
Để cho người nghiện từ bỏ được ma túy, thì việc tuân thủ phác đồ điều trị và ý trí quyết tâm của các học viên là bước đệm quan trọng. Ngoài ra, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý đối tượng sau cai, tạo điều kiện về việc làm để giúp người nghiện có thể ổn định cuộc sống, đoạn tuyệt với ma túy, trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội, xây dựng cuộc sống mới bình an./.