Cai nghiện ma túy: Lấy người bệnh làm trung tâm
Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ đã giúp những mảnh đời lầm lỡ làm lại cuộc đời. |
Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ đang điều trị cho hơn 50 người nghiện ma túy. Từng có thời lầm lỡ, lạc vào vòng xoáy của ma túy, mỗi người là một số phận, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi vào cơ sở, mọi người đều có một mục tiêu chung, đó là quyết tâm từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời.
Học viên Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Sau thời gian ở trong cơ sở cai nghiện, các thầy cô rất là quan tâm gần gũi, thường xuyên động viên hỏi thăm. Được quan tâm như vậy, tôi cảm thấy không bị tự ti phân biệt nữa".
Một học viên khác tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ cho biết: "Sau khi hết thời gian cai nghiện, tôi trở về nhà cũng tìm một công việc ổn định, phấn đấu cố gắng làm việc và từ bỏ ma túy".
Chị Nguyễn Thị Mai, Phòng Điều trị nội - ngoại trú và công tác cộng đồng, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ cho biết: "Chúng tôi không chỉ là một người thầy thuốc điều trị cho anh em, mà vừa phải như một bác sĩ tâm lý, gần gũi động viên, chia sẻ cảm hóa anh em để anh em có thể điều trị tốt".
Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và Công tác xã hội thành phố Thái Nguyên đang điều trị cho hơn 110 người nghiện ma túy. Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, mỗi cán bộ, nhân viên tại đơn vị đều tận tụy với bệnh nhân, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc.
Học viên Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và Công tác xã hội thành phố Thái Nguyên cho biết: "Tôi thấy được sự quan tâm của các cán bộ nên cuộc sống sinh hoạt đều đặn, giờ giấc nề nếp nên sức khỏe cũng được hồi phục rõ rệt".
Anh Nguyễn Quốc Hưng, Phòng Tuyên truyền và Quản lý học viên¸ Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và Công tác xã hội thành phố Thái Nguyên cho biết: "Đối với học viên cũng cần phải cầm tay chỉ việc như lao động trồng rau tăng gia sản xuất, việc trị liệu cho bản thân để hồi phục sức khỏe và để họ nhận thức được giá trị lao động".
Trong công tác điều trị cai nghiện ma túy, giai đoạn cắt cơn khi học viên mới vào điều trị là giai đoạn khó khăn nhất. Trong khoảng thời gian này, những cán bộ y tế tại các đơn vị luôn đồng hành cùng học viên.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên, tuân thủ phác đồ điều trị để kiểm soát tái nghiện. |
Y sĩ Dương Văn Liệu, Phòng Y tế, Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và Công tác xã hội thành phố Thái Nguyên cho biết: "Ngoài sử dụng thuốc của Bộ Y tế hướng dẫn và đầu tư, còn có tư vấn học viên tập luyện thể dục thể thao, lao động trị liệu cho học viên để sớm hồi phục hay cắt cơn".
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện đang điều trị cai nghiện ma túy cho hơn 250 học viên tại 05 cơ sở cai nghiện tự nguyện. Trong quá trình điều trị, các học viên được lao động vật lý trị liệu kết hợp với học nghề phổ thông như: Xây dựng, mộc dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, nông lâm nghiệp, cơ khí và các hoạt động tư vấn kỹ năng hòa nhập cộng đồng...
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và Công tác xã hội thành phố Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp vừa dạy nghề vừa tạo việc làm nâng cao tay nghề cho người nghiện khi về địa phương họ có chứng chỉ và dễ dàng xin được vào các cơ sở sản xuất kinh doanh hay nhà máy xí nghiệp có việc làm cho bản thân".
Để giúp người nghiện từ bỏ được ma túy, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị và nỗ lực, quyết tâm của các học viên, thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý đối tượng sau cai. Ngoài ra, cần sự phối hợp, tạo điều kiện về việc làm để họ có thể ổn định cuộc sống, là đòn bẩy giúp họ đoạn tuyệt với ma túy và trở thành người có ích cho cộng đồng.