Cách Trung Quốc có thể phản kích sau đòn liên hoàn của Trump với Huawei
Gian hàng của Huawei tại triển lãm công nghệ CES năm ngoái ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/5 liên tiếp tung ra hai "đòn giáng" được cho là nhắm vào Huawei, tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc. Sắc lệnh hành pháp của Trump và quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ có thể khiến Huawei không thể mua được thiết bị quan trọng từ Mỹ hay làm ăn với các công ty ở quốc gia này.
Mỹ có thể coi động thái trên là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc vốn đang rơi vào bế tắc vì cuộc chiến áp thuế, khi các nhà phân tích từ Eurasia Group cho rằng cơ hội để hai nước đạt được một thỏa thuận chỉ là 15%. Tuy nhiên, "đòn liên hoàn" này của Trump có thể châm ngòi cho loạt biện pháp đáp trả của Trung Quốc nhằm bảo vệ Huawei.
Theo các chuyên gia, những hành động Bắc Kinh có thể áp dụng để đáp trả Washington bao gồm khuyến khích người dân tẩy chay sản phẩm Mỹ, dành ưu ái cho những công ty đến từ quốc gia ngoài Mỹ hay tiến hành những cuộc thanh tra, kiểm tra gây khó khăn cho các công ty Mỹ.
Một trong những hành động đáp trả đầu tiên của Trung Quốc liên quan tới vụ Huawei là việc Bắc Kinh hôm qua phát lệnh bắt hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với tội danh thu thập và đánh cắp bí mật nhà nước. Lệnh bắt được đưa ra gần 6 tháng sau khi hai người này bị chính quyền Bắc Kinh điều tra.
Một người biểu tình ở Canada cầm ảnh của Spavor (trái) và Kovrig (phải), yêu cầu trả tự do cho hai người. Ảnh: Reuters. |
Đây có thể là tín hiệu cảnh cáo của Trung Quốc với các nước đồng minh của Mỹ, những quốc gia đang được Washington kêu gọi cùng tham gia nỗ lực tẩy chay Huawei. Thông điệp mà Bắc Kinh đưa ra là nếu các nước làm theo yêu cầu của Mỹ như vụ Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, họ sẽ phải trả giá bằng cách này hay cách khác.
Hồi tháng một, Mỹ cáo buộc Huawei và giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, tội lừa đảo, cản trở công lý, âm mưu rửa tiền và vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Mạnh bị bắt tại Canada và đang đối diện khả năng bị dẫn độ sang Mỹ. Bên cạnh đó, Washington cũng khuyến khích các quốc gia khác không sử dụng công nghệ từ Huawei với lý do rằng thiết bị của họ không an toàn và có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp mạng.
"Có một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng huy động tới những người tiêu dùng yêu nước, vì thế chúng ta có thể dự đoán rằng sẽ có làn sóng tẩy chay hàng hóa Mỹ", Adam Segal, giám đốc kỹ thuật số và an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế của Mỹ, nhận định.
Theo ông, Apple sẽ là mục tiêu khả dĩ nhất cho đòn phản kích của Trung Quốc, bởi sản phẩm của họ được bán trực tiếp tới người dân nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ không muốn kích động người tiêu dùng quá nhiều. "Nếu kích động lòng tự tôn dân tộc quá mạnh, bạn đôi khi không thể kiểm soát nó", Segal nói.
Theo ông, Bắc Kinh cũng có thể tăng cường tiến hành các cuộc thanh tra đối với những công ty Mỹ đặt trụ sở ở Trung Quốc như cách họ đã làm với Microsoft cách đây vài năm. "Họ sẽ kiểm tra nhà máy của bạn. Vào 5h sáng, thanh tra sẽ tới và yêu cầu được xem giấy tờ, sổ sách", Segal cho hay.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có khả năng tiến tới phát triển nguồn cung cấp chip điện tử của riêng mình để giảm bớt sự phụ thuộc vào thiết bị quan trọng từ Mỹ. "Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ cảm thấy rằng họ cần tăng gấp đôi các khoản đầu tư vào trí thông minh nhân tạo (AI), mạng 5G hay bất kỳ công nghệ nào khác", ông nhận định.
Oracle là công ty Mỹ đã có những bước đi đầu tiên để chuyển hoạt động của mình ra khỏi Trung Quốc. Theo một số thông tin, công ty sẽ sa thải 900 nhân viên tại một trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh.
"Oracle đã có một bước đi lớn ở Trung Quốc... và đó là hành động khôn ngoan của họ", Dan Ives, giám đốc điều hành kiêm nhà phân tích công nghệ tại công ty quản lý đầu tư Wedbush, bình luận. Ông cho rằng trước mức thuế như hiện nay, Oracle hoàn toàn có thể hoạt động ở những nơi khác với chi phí thấp hơn nhiều.
Mạnh Vãn Chu tại Vancouver ngày 12/12. Ảnh: AP. |
Ives đánh giá Apple sẽ là công ty hứng chịu nguy cơ bị trả đũa cao nhất, song Trung Quốc có thể sẽ không quá khắc nghiệt với Apple bởi công ty này đang mang tới việc làm cho 1,4 triệu người Trung Quốc.
Những công ty chip Mỹ thậm chí còn có ít nguy cơ hơn bởi họ không bị ảnh hưởng trực tiếp từ làn sóng tẩy chay. Các nhà phân tích tại công ty Bernstein cho rằng dù Trung Quốc tung ra đòn đáp trả kiểu nào, Huawei cuối cùng vẫn là bên chịu thiệt hại nhiều hơn so với các nhà cung cấp Mỹ.
"Huawei, như hầu hết các công ty công nghệ lớn khác, phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể sẽ phải chịu gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động nếu không có nguồn cung cấp chip liên tục từ Mỹ. Các nhà sản xuất chip của Mỹ có thể hứng chịu thiệt hại trong ngắn hạn, nhưng các hợp đồng bị mất với Huawei sẽ nhanh chóng được bù đắp khi các đối thủ khác của tập đoàn Trung Quốc này trỗi dậy", các chuyên gia từ Bernstein nhận xét.