Bức tranh kinh tế Việt Nam qua lăng kính quốc tế
Nền kinh tế mở
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 36/160 quốc gia được đánh giá, xếp hạng về logistics, xếp thứ 3 trong các nước ASEAN, tăng 25 bậc so với năm 2016. WB nhận định, Việt Nam là nền kinh tế mở bậc nhất thế giới.
Để thực hiện thành công khát vọng trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp, trong đó có việc thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển khu vực tư nhân trong nước, bởi khu vực này sẽ trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là năng động bậc nhất Đông Nam Á. (Ảnh minh họa) |
Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý. Song song với đó, ông Ousmane Dione chỉ rõ, Việt Nam phải cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, đồng tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, Giám đốc WB Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Ousmane Dione cũng gợi ý, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Giám đốc WB Việt Nam cho rằng, hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu.Song, Việt Nam sẽ phải giải quyết những cản trở mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, cũng như chi phí môi trường lên quá trình phát triển ngày càng lớn.
Hãng tin Bloomberg, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng được dự báo đạt khoảng 7% trong năm nay.
Xuất khẩu tinh hơn
Trong báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vừa công bố, WB đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam đang trở nên tinh hơn.
WB phân tích: Việt Nam đạt kết quả tốt về xuất khẩu trên cơ sở đa dạng hóa giỏ các mặt hàng xuất khẩu một cách ngoạn mục, trong đó, các mặt hàng chế tạo, chế biến xuất khẩu đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu (trên 80% năm 2018).
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm ngoái. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 7,2 tỷ USD. |
Tỷ trọng các mặt hàng chế tạo, chế biến xuất khẩu giá trị cao như điện thoại, máy tính, máy ảnh, hàng điện tử và linh kiện tăng lên khoảng 35% trong năm 2018. Tương ứng, tỷ trọng thương phẩm thô giảm mạnh, trong đó tỷ trọng xuất khẩu dầu thô giảm từ gần 7% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 xuống còn khoảng 1,3% vào tháng 10/2018.
WB ghi nhận Việt Nam thành công trong việc duy trì được thị trường xuất khẩu đa dạng. Trong số các đối tác thương mại, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, tiếp theo là EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc… Tuy vậy, WB cũng đánh giá Việt Nam vẫn là quốc gia có chuỗi cung ứng chưa phát triển, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô nhập khẩu, thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ.
“Nam châm” hút đầu tư
Bloomberg nhận định, trong cuộc đua thu hút các công ty tìm địa chỉ sản xuất thay thế trong bối cảnh căng thẳng tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang gia tăng, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia khác.
Việt Nam xếp vị trí số 1 trong 7 nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á về điểm đến của các doanh nghiệp chế biến-chế tạo, theo đánh giá của Natixis SA, được thực hiện dựa trên các yếu tố như cơ cấu dân số, tiền lương, giá điện, xếp hạng về môi trường kinh doanh, logistics và tỷ trọng của ngành chế biến-chế tạo trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại mỗi quốc gia.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung được xem là cơ hội để Việt Nam củng cố vị thế quốc gia hàng đầu khu vực về sản xuất và xuất khẩu, với mọi mặt hàng từ giày dép tới điện thoại thông minh (smartphone). Kim ngạch thương mại của Việt Nam lớn gấp khoảng 2 lần so với GDP, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở khu vực châu Á ngoại trừ Singapore.
Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa) |
Theo Bloomberg, có nhiều yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang, trong đó phải kể đến chi phí sản xuất giá rẻ. Cùng với đó, sự tăng trưởng và ổn định là sức hút rất lớn đối với dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Tạp chí Forbes cũng cho rằng, Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dù không phải một sớm một chiều.
Forbes phân tích: Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018 gây cản trở lớn tới xuất khẩu của Trung Quốc. Hàng rào thuế quan Mỹ áp đặt lên 250 tỷ USD hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc được coi là một đòn đau giáng xuống các nhà máy sản xuất của Trung Quốc. Bên cạnh căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc còn đang phải cạnh tranh với Việt Nam bởi đây là quốc gia có lực lượng lao động dồi dào, chi phí rẻ hơn. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều công ty đa quốc gia bởi có nhiều thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa mà không phải chịu thuế.
Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, đảm bảo chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình ký kết một số thỏa thuận thương mại tự do quan trọng, trong đó có Hiệp định EVFTA và CPTPP. Thực tế, Việt Nam đã thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách giữ chi phí lao động ở mức thấp, đơn giản hóa các quy định đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư thông thoáng..., Forbes đánh giá./.