Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tập trung mọi nguồn lực trong Cách mạng 4.0 để đột phá
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng coi CMCN 4.0 là cơ hội để kinh tế Việt Nam bứt phá. |
Phát biểu tại cuộc họp báo về Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ hội lớn, nếu không nắm bắt được, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục bị tụt hậu.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng, là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại hóa trong thời gian sớm nhất và Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công cuộc cách mạng này.
Tại Nghị quyết số 23/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Đề án đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
Một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng các chiến lược về CMCN 4.0 chính là việc tận dụng nguồn nhân lực người Việt chất lượng cao trong và ngoài nước để tham gia ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ chiến lược với 03 nội dung cụ thể liên quan đến Chiến lược quốc gia về 4.0 là: Xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 và dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2018; Xây dựng Đề án thành lập “Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia”, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2018 và phấn đấu khởi công xây dựng Trung tâm vào cuối năm 2018; Xây dựng mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chương trình kết nối Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển.
Chương trình sẽ khơi nguồn cảm hứng, tạo sự liên kết mới từ những tinh hoa khoa học công nghệ trong và ngoài nước, từ đó lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự thay đổi về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam, để cùng đồng hành và tiến xa trong một kỷ nguyên kỹ thuật số đầy mới mẻ và hứa hẹn.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. |
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu của chương trình này là chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ diễn ra trong vòng 7 ngày, từ ngày 18-24/8/2018 với chủ đề “Sức mạnh Thăng Long - Trí tuệ Việt Nam”, bao gồm một chuỗi các hoạt động tại các địa phương là Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh, tập trung vào nhiều hoạt động như: gặp gỡ các Lãnh đạo cao cấp của Nhà nước và Chính phủ; gặp gỡ các Bộ, ngành, địa phương; gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp, trí thức làm khoa học công nghệ tại Việt Nam; trao đổi và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; làm việc tại các khu công nghệ cao tại Hà Nội, TP HCM...
Nòng cốt tham gia Chương trình là 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài được mời tham dự. Họ là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hóa, robotics... có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things…). Đây là những cá nhân có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động, được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước.
Các chương trình kết nối diễn ra liên tục, chú trọng vào các hoạt động thực chất, nhằm tạo giá trị gia tăng. 100 chuyên gia trẻ được lựa chọn tham gia Chương trình đầu tiên là sự khởi đầu. Tiếp theo là mở rộng mạng lưới, kết nối với tri thức đỉnh cao toàn cầu và các trí thức Việt.