Bỏ thời hạn sở hữu, thị trường chung cư thở phào
Bộ Xây dựng vừa thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ nhất đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong dự thảo này không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Ổn định thị trường
Các chuyên gia cũng rất đồng tình với đề xuất bỏ quy định trên, bởi nếu ấn định một mức niên hạn căn hộ sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết nhà ở cho người dân ở đô thị theo chính sách an cư Nhà nước đề ra. Chưa kể, tâm lý lo ngại quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn sẽ dẫn đến thay đổi hành vi của người mua nhà. Họ có thể không lựa chọn nhà chung cư nữa để chuyển sang nhà liền thổ hoặc các sản phẩm khác.
Người mua nhà chung cư sẽ giảm bớt tâm lý e ngại nếu được bảo đảm quyền sở hữu căn hộ lâu dài. |
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cho biết chính sách của các đô thị là khuyến khích người dân chuyển lên sống tại chung cư để tạo ra mật độ xanh đủ mức cần thiết. Lý do là chung cư chỉ được xây dựng 30%-40% diện tích đất, còn 60%-70% dành cho cây xanh và các công trình hạ tầng khác. Nếu phân lô, bán nền thì diện tích cây xanh sẽ giảm dần.
Đối với người Việt, bất động sản là tài sản lớn, là của để dành, nên sở hữu lâu dài họ mới muốn mua. Nếu chỉ có thời hạn mấy chục năm thì người dân sẽ cân nhắc, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường căn hộ, không phù hợp với giải pháp nhà ở cao tầng đô thị hóa.
Cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết về trường hợp phá dỡ chung cư, kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… Quy định thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí nhà ở tái định cư và nhà ở tạm thời cho các hộ dân thuộc diện phải di dời…
Cần luật hóa hậu phá dỡ chung cư
Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, góp ý cần phải làm rõ quy định về quyền sử dụng và quyền sở hữu nhà chung cư để tránh cho người dân hiểu lầm. QSDĐ chung cư là quyền chung cho mỗi cư dân, khi chung cư xuống cấp, mất an toàn buộc tháo dỡ thì tất cả chủ sở hữu vẫn có quyền sử dụng mảnh đất chung.
Còn quyền sở hữu tài sản là sở hữu căn hộ của người dân là lâu dài, kể cả khi chung cư bị phá dỡ thì quyền sở hữu của họ vẫn còn. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của cư dân hậu phá dỡ chung cư.
Theo luật sư Nông, cần quy định rõ trong luật cơ quan kiểm định chất lượng chung cư. Khi chung cư mất an toàn, phải tháo dỡ thì buộc toàn bộ cư dân phải chấp hành, nếu không sẽ cưỡng chế. Sau khi chung cư phá dỡ xong cũng cần có quy định về việc lấy ý kiến của cư dân quyết định xây lại chung cư hay không, nếu số đông cư dân bỏ phiếu đồng ý thì sẽ xây lại. Cư dân nào không muốn tiếp tục ở lại thì có thể bán cổ phần dựa trên QSDĐ của mình trên tổng diện tích đất chung của chung cư.
“Trường hợp đa số cư dân không muốn xây lại thì cư dân còn quyền sử dụng chung mảnh đất của cả dự án. Luật cũng cần quy định rõ về việc đưa ra đấu giá QSDĐ chung cư, quy định phân chia quyền lợi cổ phần cho từng cư dân. Trong trường hợp không thống nhất được QSDĐ này thì đưa ra tòa án giải quyết” - luật sư Nông góp ý.
TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cũng đồng tình tâm lý người dân Việt Nam là an cư mới lạc nghiệp, ai bỏ tiền ra mua nhà cũng muốn sở hữu lâu dài.
TS Nhân góp ý cần quy định cơ quan quản lý nhà nước có quyền kiểm tra định kỳ công trình nhà ở chung cư. Chung cư không an toàn, kể cả khi chưa hết thời hạn sử dụng, cơ quan quản lý nhà nước cũng có quyền yêu cầu người dân di dời để bảo đảm an toàn.
Đềxuất gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở cho người nước ngoài
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tại báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tiếp thu và kiến nghị Chính phủ chỉnh sửa Điều 21 Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở có thời hạn (như luật hiện hành) nhưng không gắn với QSDĐ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định về việc gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người nước ngoài. Đồng thời bổ sung quy định trường hợp người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, sau đó bán lại cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì người mua được hưởng các quyền và nghĩa vụ như công dân trong nước./.