Bộ GD-ĐT công bố cách chấm thi THPT Quốc gia 2017
Sau những sai sót về đề thi thử môn Toán và Hóa học kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng đề thi chính xác, đủ tin cậy để phục vụ cho kỳ thi chính thức sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.
Trước những băn khoăn của xã hội, tại cuộc họp báo chiều 24/3 do Bộ GD-ĐT tổ chức, GS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, mỗi thí sinh có 1 mã đề riêng.
Để có được đề thi chính xác, tin cậy và kiểm tra được kiến thức toàn diện của học sinh, Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề thi trên cơ sở chuẩn hóa theo hướng: viết câu hỏi thô, biên tập, chọn lọc, thẩm định, thử nghiệm, chỉnh sửa, rà soát kỹ trước tránh sai sót khi phát cho thí sinh.
Năm nay, có 5/6 bài thi của thí sinh theo hình thức trắc nghiệm sẽ được chấm trên máy tính (ảnh minh họa) |
Cho đến nay, ngân hàng đề thi phục vụ cho kỳ thi THPT Quốc gia đã khá lớn và đủ đáp ứng tốt để kiểm tra kiến thức của thí sinh. Đề thi phải đảm bảo kiểm tra kiến thức toàn diện của học sinh nhưng vẫn có sự phân hóa trình độ.
Tại cuộc họp báo, PGS.TS Mai Văn Trinh cũng nêu quan điểm về việc có thể thay đổi quy chế thi THPT Quốc gia 2017 ở điểm cho phép học sinh mang đề thi về sau khi kết thúc bài thi tổ hợp.
Bộ GD-ĐT yêu cầu hội đồng thi phải thu lại đề thi của thí sinh sau khi kết thúc môn thi thứ nhất và thứ hai. Việc làm này nhằm đảm bảo công bằng cho các thí sinh đều làm mỗi phân môn bài thi trong 50 phút. Ngoài ra, tránh tình trạng học sinh có thể tập trung thời gian làm các môn thi để xét tuyển vào các trường đại học, chứ không chú trọng làm các môn thi khác.
Cho đến thời điểm này, Bộ đã 2 lần công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm để học sinh và giáo viên có cơ sở ôn tập, chuẩn bị kỹ cho kỳ thi. Bộ đang tiếp tục gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đã có bằng nhiều nguồn khác nhau, như huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, các giảng viên đại học có chuyên môn tốt, tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi. Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng.
Về công tác chấm thi, năm nay, thí sinh thi 5/6 môn thi, bài theo hình thức trắc nghiệm nên việc chấm thi sẽ thực hiện trên máy tính.
Kỳ thi sẽ diễn ra sớm hơn 1 tuần so với những năm trước
Sau khi ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học năm 2017, đầu tháng 2/2017, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017.
Đặc biệt sau khi xem xét, cân nhắc thời gian thi phù hợp và thuận lợi nhất cho thí sinh, Bộ quyết định thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được đẩy lên sớm hơn so với những năm trước. Kỳ thi năm 2017 sẽ được tổ chức từ ngày 21-24/6, trong đó thời gian thực tế thi là 2,5 ngày (năm 2016, kỳ thi diễn ra trong 4 ngày).
Hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đang được tiến hành tích cực tại từng địa phương, từng cơ sở giáo dục. Trước khi bước vào thời điểm đăng ký chính thức, các địa phương cũng tổ chức khảo sát đăng ký nguyện vọng của học sinh, lấy đó làm căn cứ để tổ chức ôn tập, đồng thời đánh giá được mức độ đón nhận của các em với hình thức thi chủ yếu là trắc nghiệm và bài thi tổ hợp.
Ví dụ mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tiến hành khảo sát chọn tổ hợp và môn thi trên diện rộng và nhận được kết quả khá bất ngờ khi học sinh chọn thi môn Lịch sử và Địa lý cao hơn những năm trước, đặc biệt không có trường nào không có thí sinh đăng ký hai môn này.
Các trường THPT sẽ sử dụng kỳ kiểm tra khảo sát học kỳ hai của lớp 12 để học sinh làm quen với phương thức thi của kỳ thi THPT quốc gia ở tất cả các khâu như phân chia phòng thi, in sao đề thi, coi thi và chấm thi.
Năm nay, với việc mỗi địa phương chỉ còn một cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì nên công tác rà soát và xác định các điểm thi sao cho phù hợp, vừa đảm bảo thuận lợi cho thí sinh, vừa đảm bảo an toàn cho kỳ thi đã được các địa phương chuẩn bị chặt chẽ.
Dù không còn trực tiếp chủ trì một cụm thi như năm trước song vai trò của các trường đại học vẫn thể hiện rõ nét trong kỳ thi năm nay thông qua việc cử cán bộ giảng viên tham gia coi thi trực tiếp tại các địa phương theo tỷ lệ 1-1 (1 địa phương, 1 trường đại học). Các trường đại học hiện đã sẵn sàng cho phương án cử cán bộ giảng viên tham gia coi thi.
Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi đã và đang được chuẩn bị theo hướng thông suốt, an toàn và chính xác. Trong các ngày 9-10/3/2017, Bộ đã tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi, tuyển sinh năm 2017. Lãnh đạo phụ trách thi, tuyển sinh của 63 Sở GD-ĐT, 270 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và cán bộ, chuyên viên làm công tác thi, tuyển sinh, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các đơn vị đã tham gia tập huấn.
Năm 2017, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, cùng với việc tiếp tục cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, Bộ xây dựng phần mềm xét tuyển chung giúp hỗ trợ các trường hạn chế bớt số lượng thí sinh “ảo”. Bộ cũng yêu cầu các trường phải chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” như: xác định chỉ tiêu phù hợp với với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; làm tốt hơn công tác truyền thông.
Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông, để từ năm 2020 trở đi được tổ chức ổn định đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt./.