Bệnh đái tháo đường và những biến chứng nguy hiểm
Theo dõi đường huyết liên tục giúp người bị đái tháo đường (tiểu đường) chủ động trong việc kiểm soát bệnh |
Tại khoa Nội Tiết, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, có khá đông bệnh nhân đang gặp biến chứng do bệnh đái tháo đường gây nên. Phần lớn bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng như đột quỵ, suy tim, suy thận…
Bà Nguyễn Thị Gái, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên cho biết tình trạng bệnh của mình: "Do bệnh tiểu đường của tôi bị biến chứng cho nên dẫn đến bị tê bì chân tay, choáng váng, mệt mỏi. Sau khi vào đây điều trị tôi đã được các bác sĩ chăm sóc, tôi thấy khỏe khoắn lên".
Anh Phùng Văn Hùng, người nhà bệnh nhân cho biết: "Mẹ tôi nhập viện trong tình trạng đường huyết cao quá mức quy định, khi nhập viện bác sĩ có chuẩn đoán là di chứng của bệnh tiểu đường tăng đột ngột, hiện nay sức khỏe của mẹ tôi đã tạm ổn".
Cũng mắc căn bệnh đái tháo đường gần 12 năm nay, do không phát hiện sớm, chỉ đến khi bị đột quỵ, phải nhập viện cấp cứu và được xác định là do biến chứng của bệnh tiểu đường gây nên, ông Nguyễn Văn Dũng, xóm Cao Sơn 5, xã Sơn Cẩm mới biết bản thân mắc căn bệnh này.
Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên: "Ban đầu bị tiểu đường, tôi có dấu hiệu ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều và bị mất ngủ. Khi bị sụt cân, tôi không nghĩ rằng mình bị tiểu đường, chỉ thấy người mệt mỏi, sau đó dẫn đến đột quỵ".
Chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc hiệu quả, đồng thời có sự hỗ trợ của bác sĩ là liệu pháp điều trị tốt nhất hiện nay |
Đái tháo đường là bệnh lý có nhiều biến chứng nguy hiểm, trung bình cứ 10 người đái tháo đường thì có 8 người biến chứng tim mạch, 4 người bị suy thận... Sự nguy hiểm của bệnh đái tháo đường không chỉ dừng lại ở đường huyết tăng giảm thất thường mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng trên tim, mạch máu và thần kinh. Đặc biệt, theo ghi nhận tại các cơ sở y tế nếu như trước đây bệnh đái tháo đường thường gặp ở người trên 40 tuổi thì nay lứa tuổi mắc bệnh đang trẻ hóa.
Bác sỹ CKI Phạm Trang Linh, Phó Trưởng khoa Nội Tiết, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khuyến cáo: "Những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 không chỉ xuất hiện ở độ tuổi trung niên và cao tuổi, mà thậm chí xuất hiện ở những độ tuổi 20, 30 tuổi. Tất cả bệnh nhân tiểu đường cần được tư vấn để có sổ tư vấn ngoại trú để khám, xét nghiệm, lấy mẫu, lấy thuốc hàng tháng. Ngoài chế độ thuốc của bệnh đái tháo đường, bệnh nhân cần kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục khoa học".
Thông điệp của Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường năm 2023 được đưa ra là: “Chúng ta cần biết nguy cơ mắc đái tháo đường của mình và biết cách phòng, chống bệnh”. Vì vậy, mỗi người dân hãy chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân, duy trì lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh tật khác./.