Bảo tồn di tích: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Tại tỉnh Quảng Ngãi, dư luận bức xúc trước tình trạng hàng loạt di sản, di tích bị xuống cấp, xâm hại. Gần đây, nhiều người phản đối gay gắt khi các doanh nghiệp tổ chức kinh doanh dịch vụ ngay trong khuôn viên các di tích gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan.
Bà Hà Thị Anh Thư một người dân sống ở thành phố Quảng Ngãi cho rằng, việc các tổ chức cá nhân xây dựng, kinh doanh dịch vụ cà phê, bi-da ngay trong khuôn viên di tích Nhà lưu niệm cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
"Việc Khu lưu niệm bác Phạm Văn Đồng xuất hiện quán cà phê, bi-da trong khu lưu niệm nhếch nhác như vậy nhưng ngành quản lý thì lại không biết gì cả. Vấn đề quản lý di tích còn lỏng lẻo. Ai chịu trách nhiệm?. Công tác quản lý và xử lý như thế nào để không tái diễn những việc như thế này nữa", bà Hà Thị Anh Thư bức xúc cho biết.
Cụm di tích Nam Ô gồm 6 di tích sẽ được thành phố Đà Nẵng đề nghị xếp hạng trong năm nay. |
Tại tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với những di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Một số di tích bị xâm phạm nghiêm trọng không có khả năng phục hồi. Cả tỉnh hiện mới có 60/124 di tích được cắm mốc bảo vệ, 20 di tích đươc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều di tích bị lấn chiếm, xâm hại. 12 di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã được UBND tỉnh có quyết định bảo vệ nhưng cũng bị xâm hại nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận những sai phạm này nhưng lại cho rằng cần xã hội hóa để phát huy các giá trị di tích, di sản: "Về cá nhân tôi cũng đã nhận khuyết điểm với những sai phạm. Một khu chứng tích, khu lưu niệm chúng ta rất cần gắn với đời sống dân sinh của cộng đồng tại địa phương thì khả năng phát huy của nó mới cao. Theo quy định, trong khu vực II của các di tích quốc gia, chúng ta được phép xây dựng các công trình liên quan đến hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên việc xây dựng phải có quy trình, phương án. Phương án xã hội hóa phải nói rõ thời gian, mục tiêu và ý nghĩa".
Quán cà phê bên trong khuôn viên di tích Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bị đề nghị tháo dỡ |
Tại thành phố Đà Nẵng, Dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô -Lancaster Nam O Resort ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu dự kiến giải tỏa nhiều di tích lịch sử lấy đất phục vụ dự án. Trước phản ứng quyết liệt của người dân và chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã làm việc với chủ đầu tư thống nhất điều chỉnh lại dự án này theo hướng vừa giữ lại, vừa tôn tạo di tích. Tại đây có đến 6 di tích gồm: lăng Ông, miếu Âm linh, giếng Chăm, miếu bà Liễu Hạnh, miếu bà Bô Bô, mộ Tiền hiền.
Ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao thành phố Đà Nẵng thừa nhận những thiếu sót của ngành và chính quyền địa phương khi vội vàng giao đất cho chủ đầu tư: "Ngành văn hóa cũng có thiếu sót, lẽ ra khi đã giao đất rồi cũng phải dùng Luật Di sản để bảo vệ nhưng lúc bấy giờ ngành văn hóa cũng không có phản ứng gì. Chúng tôi dự định, trong năm 2018, 6 di tích sẽ tạo thành cụm di tích Nam Ô. Chúng tôi sẽ làm hồ sơ khoa học và xếp hạng. Sau khi xếp hạng, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND quận Liên Chiểu sẽ có kế hoạch trùng tu cụm di tích ở khu vực Nam Ô".
Thành phố Đà Nẵng hiện có 1 di sản Quốc gia đặc biệt, 8 di sản Quốc gia vật thể, 4 di sản phi vật thể, 3 bảo vật Quốc gia và 48 di tích lịch sử cấp thành phố. Một thời gian dài, các di tích, kể cả di tích rất quan trọng như thành Điện Hải, Hải Vân Quan cùng nhiều công trình văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử khác chưa được quan tâm đúng mức. Đã đến lúc, công tác bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị các di sản, di tích đòi hỏi các địa phương phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”./.