Bão số 2 khiến 1 người Nghệ An chết và 13 người mất tích
Theo báo cáo sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện: Tân Kỳ, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Nghi Lộc; Thị xã: Hoàng Mai, Cửa Lò,... Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã tổng hợp thiệt hại ban đầu đến 4h ngày 17/7/2017.
Thiệt hại về người là 1 người chết, nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Mai (SN 1969, trú tại khối 8, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai) nguyên nhân do bị sập xà mái tôn đè vào người.
Thiệt hại do cơ bão số 2 gây ra tại Nghệ An |
Bên cạnh đó, thông tin từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An xác nhận vào khoảng 2h sáng 17/7, tàu chở than mang số hiệu VTP 26 đang neo đậu cách đảo Ngư khoảng 800 m về phía Bắc đã bị sóng đánh chìm.
Thời điểm gặp nạn trên tàu có 13 người, hiện lực lượng chức năng đăng tìm mọi biện pháp để tiếp cận cứu hộ chiếc tàu gặp nạn. Tuy nhiên, do sóng quá lớn nên vẫn chưa thể triển khai các phương án cứu hộ.
Theo Báo Nghệ An, đến thời điểm này đã có 3 thuyền viên được cứu. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang có mặt tại Thị xã Cửa Lò để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm con tàu bị chìm.
Số liệu tổng hợp mới nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có 2872 nhà, ki ốt, hàng quán bị tốc mái; trong đó có 1 trụ sở UBND xã, 1 trạm y tế, 2trường học và 2 nhà tập thể; 152 cột điện bị gãy đổ, 350 ha cây keo bị gãy đổ do bão, 10.000 cây xanh cũng bị gãy đổ do gió giật mạnh.
Về thiệt hại hoa, màu; có 250 ha ngô, 2000 ha vừng, 370 ha dưa hấu, 350 ha hoa màu khác bị ngập. 4.550 ha diện tích lúa hè thu cũng bị nhấn chìm trong biển nước.
Hiện tại, các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An đang trực tiếp xuống địa phương để tham gia chỉ đạo công tác đối phó và khắc phục với mưa bão. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động sơ tán, di dời dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông vùng có nguy cơ xẩy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ du các hồ đập theo các kịch bản đã xây dựng trong phương án phòng chống thiên tai của tỉnh và địa phương để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Bên cạnh đó, thống kê các thiệt hại và triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra; xử lý vệ sinh môi trường sau bão. Tập trung xử lý ách tắc giao thông do mưa gây sạt lở. Hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người khu vực bị ngập, tràn qua suối, bến đò ngang. Kiểm tra đảm bảo an toàn công trình, nhất là các công trình đang thi công; các hồ chứa nước, vận hành cửa van, đặc biệt là các hồ xung yếu; Bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.
Các công ty thủy lợi và địa phương vận hành các trạm bơm tiêu, cống tiêu và hệ thống kênh tiêu để tiêu úng, bảo vệ lúa và hoa màu; Tổ chức trực ban 24/24 để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời với phương châm 4 tại chỗ./.