“Bão” nông sản rớt giá đang đến với người trồng hồ tiêu
Giá hồ tiêu đang ở mức thấp kỷ lục trong vài năm trở lại đây. Từ loại cây trồng được coi là “vàng đen” giúp nông dân làm giàu, thì giờ đây, hồ tiêu lại trở thành gánh nặng. Để thì không xong, chặt bỏ thì hao công tốn sức suốt nhiều năm trồng trọt, chăm sóc.
Hồ tiêu vào bão giá
Giá hồ tiêu cách đây 2 năm ở mức rất cao, trên 200.000 đồng/kg. Đó cũng là lúc những người trồng hồ tiêu ở Đồng Nai phấn khởi nhất vì loại cây gia vị này mang đến nguồn thu đáng kể cho kinh tế gia đình. Nhưng sự hồ hởi đó không kéo dài được lâu. Hồ tiêu hạt liên tục rớt giá và liên tục thiết lập những kỷ lục giá… ở đáy: 120.000, 100.000, 80.000, 60.000, và giờ chỉ còn 54.000 đồng/kg. Với giá này, chỉ riêng chi phí thuê nhân công thu hoạch cũng đã ngốn hết toàn bộ số tiền thu về. Chưa kể, năm nay năng suất tiêu ở nhiều nhà vườn cũng thấp kỷ lục.
Nhiều diện tích tiêu đang bị đốn hạ thay thế bằng cây trồng khác. |
Vườn tiêu gần 1 ha của ông Trần Minh Sang ở ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất đã 7 năm tuổi và đang cho thu hoạch. Năm trước, ông Sang thu được gần 2 tấn tiêu hạt, nhưng năm nay con số thu về chỉ còn khoảng 500 kg. Số tiền ông Sang thu được chỉ vừa đủ trả công thu hoạch, người trồng bị lỗ tiền công chăm sóc.
Cũng năm ngoái, 3 tấn tiêu hạt của ông Thân Công Cường, ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc được thương lái hỏi mua với giá 120.000 đồng/kg nhưng thấy giá thấp, ông Cường quyết định không bán mà trữ lại chờ giá tăng. Rồi giá tiêu không tăng mà lại liên tục giảm, với mức giá dưới 60.000 đồng/kg như hiện nay, tính sơ bộ ông Cường mất gần 200 triệu đồng.
Không còn mặn mà với hồ tiêu
Do lo ngại giá tiêu có thể tiếp tục lao dốc nên nhiều nông dân ở huyện Thống Nhất đã trồng xen bưởi da xanh vào vườn hồ tiêu. Trồng bưởi đồng nghĩa với việc nông dân xác định không gắn bó với cây tiêu lâu hơn nữa.
Tương tự, tại huyện Trảng Bom xuất hiện tình trạng nông dân chặt tiêu chuyển sang cây trồng khác. Chỉ tính riêng xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, hàng chục ha tiêu đã biến mất do mất mùa, mất giá, nông dân đã không còn đủ kiên nhẫn với loại cây này.
4 ha tiêu đang cho thu hoạch của ông Lầm Mã Phúc ở ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom cũng vừa bị người chủ đốn hạ một nửa để thay băng cây chuối già cấy mô. Năm nay chuối xuất khẩu được giá cao, cây tiêu ngược lại không mang lại lợi nhuận nên ông Phúc quyết định cưa tiêu chuyển qua trồng chuối. “Năm nay hồ tiêu không đạt năng suất lại mất giá nên nhiều người chuyển sang trồng chuối”, ông Phúc cho biết.
Giá thấp, nhiều nông dân ở Đồng Nai quyết định gom hàng, trữ tiêu chờ giá lên. Thế nhưng hiện họ như đang ngồi trên đống lửa vì trái với kỳ vọng, giá tiêu không những không tăng mà còn tiếp tục giảm sâu khiến nguy cơ ôm nợ ngày càng hiện hữu. Nhiều người chỉ còn biết cứ 1 hoặc 2 tuần lại mang tiêu ra phơi để tiêu không bị mốc, việc này không chỉ tốn công sức mà trọng lượng hạt tiêu cũng bị hao hụt nhiều.
Lo ngại hơn, theo nhiều nông dân, nếu giá tiêu tiếp tục thấp như hiện nay sẽ có tình trạng nông dân bỏ mặc vườn tiêu không đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh có thể khiến tiêu chết, giảm cả diện tích, năng suất và chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Trãi, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc lo lắng từ việc đầu tư vào trồng cây hồ tiêu. Hiện nhiều người không còn tập trung chăm bón hồ tiêu, chỉ chăm bón vừa phải để giữ cho ổn định vườn, tránh việc đầu tư nhiều quá trong khi thu lợi không nhiều dẫn đến khó khăn.
Trước tình trạng hồ tiêu mất mùa, mất giá, bà Trần Thị Tú Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân không tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu, nhưng cũng không khuyến khích việc chuyển đổi cây trồng một cách tự phát. Tỉnh cũng đang triển khai xây dựng các cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho loại cây này. Đặc biệt việc hướng dẫn nông dân sản xuất hồ tiêu sạch cũng đang được các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực triển khai, nhằm nâng cao chất lượng hồ tiêu hướng đến thị trường xuất khẩu mới, có giá trị gia tăng cao.
Những năm gần đây, nông dân Đồng Nai dường như đã quen với những điệp khúc như “rớt giá”, “giải cứu”, từ heo, gà, chuối và giờ là hồ tiêu. Nếu như không sớm có giải pháp từ ngành chức năng, nông dân sẽ vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất trước sự càn quét của những cơn bão giá nông sản./.