Bạo lực học đường: Đừng chịu đựng một mình
Buổi tọa đàm diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp trong chiều 2/2, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ một số trường phổ thông và hàng trăm học sinh Trường THPT Nam Định. Tọa đàm nhằm đưa ra nhiều góc nhìn về bạo lực học đường, tạo cơ hội cho mọi người cùng chia sẻ những câu chuyện cùng cách phòng tránh vấn nạn này, để giúp các em tránh những nỗi đau âm ỉ dẫn đến kết cục đau lòng.
Các chuyên gia tại tọa đàm |
Bạo lực ngày càng tàn bạo
Đứng trước thực trạng đáng báo động của vấn nạn bạo lực học đường, một nhóm giáo viên gồm: cô Bùi Thị Ngọc Thủy, cô Phạm Phương Anh, thầy Lê Huy Tưởng và các học sinh khối 10 trường THPT Trần Hưng Đạo đã sáng lập Dự án “Break the Silence - Nâng cao giải pháp chống quấy rối học đường”.
Dự án bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2017, hoạt động tại các trường THCS và THPT trên toàn thành phố Nam Định. Đến nay, dự án đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự hợp tác từ nhiều em học sinh khối 10,11,12 và các thầy cô giáo tại các trường.
Cách nhìn nhận con bị bạo hành qua các dấu hiệu: Con căng thẳng, mệt mỏi, không ăn uống và chỉ muốn ngồi một mình trong bóng tối. Thông thường nhất là các con không muốn nói gì, khuôn mặt buồn rười rượi, điều này cho thấy con đã có vấn đề về tâm lý.
Một học sinh lớp 10, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) chia sẻ, lần đầu tiên mình gặp trường hợp bị bạo lực là nữ lớp trưởng của mình và một nữ “cai khối”. Sở dĩ “nữ cai” này bắt nạt lớp trưởng, dọa nạt trong giờ ra chơi và đánh đập... vì cho rằng lớp trưởng đã mách với cô giáo về những sai sót của mình trên lớp.
“Bạn lớp trưởng đã phải nghỉ học nhiều lần nhưng vẫn bị “nữ cai” đánh đập khiến bạn phải chuyển trường”, học sinh này chia sẻ.
Cũng là thành viên Dự án Break the Silence, em Mai Anh cho biết, các em đã giúp lan tỏa và nâng cao các giải pháp phòng chống bạo lực học đường cho nhiều học sinh.
Cô Bùi Thị Ngọc Thủy - giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) nhận xét, trước đây tình trạng bạo lực chỉ đơn giản như trêu chọc, tẩy chay, hy hữu lắm mới xảy ra đánh nhau chứ không tàn bạo như hiện nay. Hiện nay, việc bạo lực xảy ra tinh vi và phức tạp hơn. Việc đánh nhau trong trường học có tổ chức, có mục đích, quay clip để đe dọa người khác... mà nguyên nhân một phần do tác động của mạng xã hội và truyền thông.
Thạc sĩ Vũ Thu Hà (Phòng tâm lý học đường - trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội). |
Thạc sĩ Vũ Thu Hà (Phòng tâm lý học đường - trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) cũng nhận định, do có sự ủng hộ của mạng xã hội và truyền thông nên bạo lực học đường ngày càng tinh vi hơn.
“Trước đây, bạo hành phần lớn là mâu thuẫn cá nhân. Hiện nay, chủ yếu mâu thuẫn giữa các nhóm do học sinh giao kết giao bạn bè nhiều hơn. Trong đó, có mâu thuẫn giải quyết được và có cái không. Trước đây, bạn học giỏi được tôn trọng nhưng giờ các em chỉ sợ những người ghê gớm. Việc bạo hành thể xác nhanh hồi phục nhưng nếu bị khủng bố tinh thần, ngày nào cũng gửi tin nhắn hoặc chửi bới thường xuyên, sẽ rất bất hạnh cho cá nhân bị bắt nạt”, cô Hà chia sẻ.
Đừng bao giờ im lặng
Bạo lực học đường không dừng lại ở cảnh báo mà còn đang trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của thế hệ trẻ ngay tại những môi trường vô cùng quen thuộc.
Khi bạo lực học đường xảy ra, cả người bạo lực và đối tượng bị bạo lực đều như “dính” bản án chung thân cả một cuộc đời. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của bạo lực học đường và cách thức bảo vệ con trước vấn nạn này.
Theo cô Thủy, nguyên nhân của bạo lực học đường một phần bắt nguồn từ gia đình. Một số em ra đường đã dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề vì cho rằng, ở nhà bố thường làm như thế với mẹ.
Một phần nữa theo cô Thủy, nguyên nhân rất lớn xuất phát từ nhà trường. Mảng giáo dục kĩ năng sống ở nhiều trường đang bị bỏ ngỏ. Hiện các trường chưa có chuyên viên tâm lý nào có trình độ để hỗ trợ về vấn đề bạo lực học đường.
Cô Bùi Thị Ngọc Thủy – giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo – TP Nam Định. |
Còn theo cô Hà, do sự phát triển của văn hóa có sự thay đổi. Ngày xưa phụ nữ không được đi đâu, “yếu thế”. Hiện nay, các bé gái và trai được đầu tư và đào tạo như nhau. Sự thay đổi đó đã ảnh hưởng đến việc trẻ em gái có bạo lực hơn xưa. Điều đáng lo ngại, khi bị bạo lực, các em thường im lặng chịu đựng một mình.
“Khi bị bạo hành, học sinh thường im lặng chịu đựng là do các em nghĩ thưa với cô giáo thì con sẽ bị đánh đau hơn. Các con nghĩ mình chưa đủ mạnh để thoát được nên giữ lại và âm thầm chịu đựng”, cô Hà nói.
Về vấn đề này, cô Thủy chia sẻ, nguyên nhân của việc im lặng này là sợ bố mẹ giải quyết theo kiểu người lớn nên mình sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn. Một số khác sợ bố mẹ thất vọng về mình nên quyết định chọn im lặng dẫn đến nỗi đau âm ỉ không thoát ra được.
Để phòng tránh, theo các chuyên gia, các em tuyệt đối không được giữ im lặng mà hãy tâm sự, ít nhất là với 3 người. Đến khi nào một trong số những người ấy tin các em, sự việc chắc chắn sẽ có cách giải quyết.
Em Mai Anh, thành viên Dự án “Break the Silence – Nâng cao giải pháp chống quấy rối học đường”. |
Cô Bùi Ngọc Thủy cho biết, nếu lên án hành vi tiêu cực sẽ dẫn đến một tiêu cực khác. Do đó làm sao trang bị được nội lực cho học sinh. Chúng ta trang bị cho các em và các em phải tự trang bị cho mình.
Trao đổi tại tọa đàm cô Hà cho rằng, để bạo lực leo thang và rất khó để giúp cả hai bình tĩnh ngay. Nên đầu tiên phải trao đổi về các kĩ năng kiểm soát bản thân, kĩ năng giải quyết vấn đề và kĩ năng chịu trách nhiệm. Nhưng nếu bạo lực ngày càng cao thì bắt buộc phải nói KHÔNG và can thiệp ngay để tránh chuyện xấu xảy ra.
“Trước hết hãy nói với bố mẹ, bạn bè, cô giáo hoặc Ban giám hiệu. Ít nhất trong số đó sẽ có một ngươi tin mình và cho các em sức mạnh để vượt qua tình trạng bạo hành. Nếu không, các em hãy gọi đến Cục bảo vệ trẻ em, sẽ có người lắng nghe và tư vấn ngay để thực hiện các bước. Đừng bao giờ dừng lại ở chỗ chịu đựng một mình bởi xung quanh có rất nhiều người sẵn sàng hỗ trợ các em”, cô Hà nói.