Bán ô tô miễn qua công an, mua xe Tết mất toi hàng chục triệu vì... phụ kiện
Cụ thể, trong tuần, thông tin được dư luận, người mua xe hơi quan tâm nhất chính là hàng loạt chiếc xe hơi của các hãng liên doanh, tư nhân lắp ráp trong nước đang giảm ồ ạt nhiều loại, mẫu xe. Hãng giảm giá thấp nhất cũng vài triệu đồng/chiếc, hãng nhiều nhất duy trì mức giảm giá vài chục triệu đồng, cao nhất là 200 triệu đồng/chiếc.
Cuộc chiến giảm giá xe không hồi kết
Còn nhớ, năm 2017 là năm thị trường ô tô biến động mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhu cầu mua cao, giá cũng thay đổi liên tục khiến kinh doanh xe hơi bị đặt trên chảo lửa và người mua xe hơi bị đẩy vào "ma trận" thông tin, giá cả khi chứng kiến giá biến động hằng ngày, tuần.
Giá xe đầu năm tiếp tục biến động rất mạnh, điểm báo cho năm "không yên ổn" đối với thị trường xe Việt |
Tuần qua, Toyota, Mitsubishi, Kia, Hyundai hay Chevrolet được nhắc đến nhiều nhất trên các diễn đàn giá xe và báo giới. Riêng ông lớn xe hơi liên doanh Toyota cũng giảm hàng loạt mẫu xe từ Vios, đến Innova, đến Altis hay Camry. Mitsubishi mạnh tay nhất thị trường khi công bố "Việt hoá" chiếc Outlander 7 chỗ ở Việt Nam, với mức giá bán không đổi so với bản 5 chỗ nhập nguyên chiếc từ Nhật trước đó.
Các đại diện xe hơi khác như Izzu cũng giảm mạnh giá xe dòng xe Mu - X bản 2016 khoảng 100 triệu đồng để dọn được cho các bản mới hơn của hãng này nhập về Việt Nam. Các ông lớn xe hơi Việt lắp ráp khác như Trường Hải, Thành Công cũng kiên trì giảm giá cho các dòng xe như Kia Morning, Cerato và mẫu mới Optima hay Hyundai i10, Tucson, SantaF... để cạnh tranh với các đối thủ "đồng cân, đồng lạng" khác trên thị trường.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia về ô tô và các doanh nghiệp kinh doanh xe hơi, thông điệp giảm giá, đón khách trước Tết Nguyên đán của các hãng lần này không phải là cuộc chạy đua về giá mà thực sự là liệu pháp chống sốc thị trường trước thời điểm xe miễn thuế từ Thái Lan, Indonesia có thể đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam.
Quá nhiều phân khúc được tiêu thụ, khiến Việt Nam không xác định được đâu là dòng xe chiến lược |
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại với một thị trường ô tô phát triển "trăm hoa đua nở", ở mọi phân khúc, mọi loại xe từ hatchback, đến sedan, Crossover, đến MPI, SUV... từ năm 2018 trở đi, các hãng xe hơi tại Việt Nam sẽ phải rất đau đầu để tính xem nên nội địa hóa dòng xe nào để bắt được xu hướng tiêu dùng, phục vụ thị trường và người tiêu dùng.
Bởi hơn ai hết, các doanh nghiệp phải hiểu được vấn đề muốn nội địa hoá, giảm giá thành công mỗi quốc gia phải chọn cho mình một dòng xe chiến lược để xây dựng, hình thành và quy tự các doanh nghiệp hỗ trợ, vệ tinh. Các doanh nghiệp là người hiểu hơn cả bởi nếu không sản xuất sản lượng đủ theo yêu cầu để được hưởng ưu đãi thuế, họ sẽ không được hưởng các "đặc ân", đồng thời sẽ giúp ngành sản xuất, lắp ráp xe của mình bị đẩy vào thế bị động, buộc phải cạnh tranh.
Bán ô tô không phải thông báo với công an
Thông tư 64/2017/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe, có hiệu lực từ ngày 12/2/2018. Theo đó, Thông tư 64/2017 đã bỏ quy định: Trước khi bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó.
Bán lại hoặc cho tặng xe hơi sẽ không phải báo cáo văn bản với cơ quan công an như trước kia. |
Thay vào đó là quy định: Xe đăng ký biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng; xe biển số ký hiệu 80 nền màu trắng, chữ và số màu đen,nay có quyết định điều chuyển, bán, tặng, cho thì trước khi bàn giao xe cho người mua hoặc người được điều chuyển, tặng, cho, chủ xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe.
Người mua xe dịp Tết bị "móc túi" và phải bỏ hàng chục triệu sắm phụ kiện
Câu chuyện khách hàng đặt cọc nhưng các đại lý thất hứa không giao xe hoặc giao trễ, phải trả thêm tiền xuất hiện như cơm bữa trong kinh doanh xe ở Việt Nam. Khi người mua xe đặt cọc để mua ô tô, thông thường khi xe chưa có sẵn tại đại lý, đại lý bán xe sẽ yêu cầu NTD đặt cọc một khoản tiền để xác nhận việc mua xe. Khi không có xe để giao theo hợp đồng đã ký, đại lý giải quyết bằng cách đơn giản là trả lại số tiền đặt cọc cho NTD.
Cuối năm, mua xe rẻ nhưng khách hàng phải bỏ thêm tiền mua đắt các loại phụ kiện |
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015, nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Một chiêu thức dễ thấy nữa là càng thời điểm cuối năm khi đi mua xe hơi, người tiêu dùng càng phải trả giá cho các phụ kiện đắt đỏ hơn. Nhiều phụ kiện như tấm lót, mếng dán cách nhiệt, viền che mưa hay thay đổi, lắp thêm các loại đèn cũng có giá và công làm cao hơn so với ngày bình thường.
Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam được dùng xe giá 1,3 đến 1,5 tỷ đồng
Theo Nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài mà Chính phủ vừa ban hành, đại sứ, trưởng đoàn Việt Nam tại tổ chức quốc tế được sử dụng xe giá trị1,47 tỷ đồng, Tổng lãnh sự được sử dụng xe 1,36 tỷ đồng.
Các đại sứ, Tổng lãnh sự được quy định mức tiêu dùng xe hơi tại nước ngoài. |
Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, các chức danh của cơ quan đại diện tùy theo điều kiện cụ thể và tính chất công việc được bố trí xe ô tô phục vụ công tác theo quy định của Thủ trưởng cơ quan đại diện.
Nghị định quy định cụ thể, căn cứ vào số lượng biên chế, Bộ trưởng Ngoại giao sẽ quyết định trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung theo định mức.
Số lượng biên chế cơ quan ngoại giao nếu có từ 1-3 người, số xe tối đa được trang bị 1 chiếc. Số lượng biên chế từ 4-6 người, số xe tối đa được trang bị 2 chiếc. Số lượng biên chế từ 7-12 người, số xe tối đa được trang bị 3 chiếc. Số lượng biên chế từ 13-19 người, số xe tối đa được trang bị 4 chiếc và số lượng biên chế từ 20-30 người, số xe tối đa được trang bị 6 chiếc...
Nghị định lại phải chờ Thông tư, Chính phủ phê bình Bộ Giao thông
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 03/2018 nhằm hướng dẫn Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô ngoại nhập, có hiệu lực từ ngày 1-3-2018.
Nghị định của Chính phủ ra đời trước 5 tháng vẫn phải đợi Thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông, chuyện lạ nhưng quá quen với người dân Việt. |
Tuy nhiên, Thông tư này so với thời hạn hiệu lực của Nghị định 116 là (17/10/2017) đã muộn gần 5 tháng, điều này đã khiến cho các DN nhập khẩu ô tô cực kỳ khốn khó không biết phải theo quy định nào để thực hiện.
Trong thời gian qua, do Nghị định 116 đưa ra nhiều điều khoản khắt khe, hoặc mới lạ nên rất nhiều DN tuyên bố ngừng nhập xe hơi về Việt Nam. Điều này gây tâm lý không tốt đối với thị trường và người tiêu dùng muốn mua xe hơi.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra ngày 2/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã chậm trễ trong xây dựng Thông tư, Nghị định có hiệu lực nhưng phải chờ Thông tư hướng dẫn. Đây là khuyết điểm của Bộ Giao thông.