Trong năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các bộ chuẩn giáo viên (GV) và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm. Từ đó, làm cơ sở để rà soát, sắp xếp, xử lý cán bộ GV chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc.

Cách đánh giá hiện nay chưa khách quan

Theo ThS Vũ Hoàng Sơn, một GV tiểu học ở TPHCM, chuẩn đánh giá GV và cán bộ quản lý được áp dụng trong năm học 2017 -2018 sẽ có nhiều tác động đến hệ thống giáo dục của cả nước, đặc biệt là cán bộ quản lý, GV. Việc Bộ ráo riết triển khai kế hoạch xây dựng chuẩn đánh giá cán bộ quản lý, GV là một việc nên làm và cần thực hiện trong điều kiện hiện nay.

Thầy Sơn phân tích, ở cấp học phổ thông đang thực hiện việc đánh giá GV hàng năm bằng Nghị định 56 của Chính phủ và Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT. Đối với Nghị định 56 có 4 mức là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Thông tư 30 cũng có 4 mức: Loại xuất sắc; loại khá; loại trung bình và loại chưa đạt chuẩn-loại kém.

ban hanh chuan giao vien rang can thi that la can

Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành bộ chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm

Quy định là thế nhưng theo thầy Sơn, đánh giá, xếp loại hàng năm của các trường thì GV thường được xếp từ Hoàn thành nhiệm vụ trở lên còn cán bộ quản lý mặc nhiên là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đặc biệt, một GV để đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (danh hiệu mà rất nhiều GV mong muốn đạt được) dù họ cố gắng, nỗ lực để đạt các thành tích trong giáo dục nhưng có khi cả cuộc đời làm thầy, họ cũng không bao giờ có được. Mà nguyên nhân là “vướng” ở phiếu tín nhiệm theo quy định tại Điều 3 mục 2 của Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT

“Chuyện phiếu tín nhiệm tưởng là đơn giản nhưng lại vô cùng khó và tế nhị. Từ tiêu chí này mà vô hình trung làm cho những GV có nhiều thành tích nhưng lại ít phiếu tín nhiệm, người ít thành tích lại có nhiều phiếu tín nhiệm hơn (do những thành phần cốt cán trong trường đang ngồi hiện hữu trong hội đồng thi đua khen thưởng và thường có “ảnh hưởng” hơn thì rõ ràng ưu thế đang thuộc về họ). Từ đó dẫn đến sự không công bằng, khách quan”, thầy Sơn lên tiếng.

E dè chuẩn “siết” giáo viên

Muốn hay không thì việc ban hành các chuẩn GV, quản lý trong trường học là điều cần phải thực hiện. Tuy nhiên, khi nghe đến việc Bộ ban hành chuẩn đánh giá nhà giáo, nhiều GV cũng không khỏi ngán ngại. Trước hết là từ tâm lý dường như trong giáo dục, thứ gì từ sách giáo khoa, chương trình, tuyển sinh, thi cử, sổ sách rồi giờ thêm chuẩn giáo viên... thay đổi liên tục. Trong khi những thứ cần thay đổi nhất là chất lượng nhà giáo và tiền lương nhà giáo thì được cảnh báo từ lâu nhưng chỉ bàn rồi... để đó.

Khi ban hành chuẩn nào thì bằng cách nào đi nữa, GV cũng sẽ cố gắng hoặc làm mọi cách để đạt chuẩn. Điển hình như khi ngành ban hành chuẩn về tiếng Anh hay Tin học thì GV lại phải “xoay” đủ mọi cách để... có được chứng chỉ để đảm bảo chuẩn.

Thầy giáo Nguyễn Việt S. chia sẻ, việc ban hành chuẩn GV thật ra chỉ là phần ngọn của vấn đề. Vấn đề của giáo dục bây giờ là cần phải giải quyết phần gốc. Cụ thể như đầu vào phải như thế nào? Các trường đào tạo sư phạm nào đạt chuẩn và chuyện “tế nhị” được nhiều đời Bộ trưởng nhắc đến là lương bổng của người thầy như thế nào?

Giải quyết được những thứ trên, theo thầy S., GV không những vượt qua chuẩn cũ mà còn sẽ bỏ xa các chuẩn, yêu cầu mới của quản lý đặt ra.

Nhiều người cũng băn khoăn, liệu chuẩn mới có thật sự chú ý đến chất lượng thật sự của người thầy vào đúng mục tiêu là dạy học, vì chuyên môn, học trò hay không? Hay chuẩn lại đặt ra lại nặng về mặt quản lý thì e rằng các cấp quản lý, nhất là hiệu trưởng lại có thêm các tiêu chí để “siết” GV?

Cô Lê.T.T., một GV THCS nêu quan điểm, ban hành chuẩn là một chuyện, có thể nó cần thiết nhưng việc đánh giá một GV theo chuẩn lại là một chuyện khác. Chuẩn gì cũng do con người đánh giá chứ không đo được bằng máy. “Con người” trong môi trường học đường còn thiếu dân chủ, hiệu trưởng vẫn là “vua một cõi” thì có thể chuẩn sẽ có thêm tiêu chí để “bắt bẻ” những GV không thuộc ê kíp hay những những thầy cô dám phản biện.

Hay nói hài hước như một GV lâu năm khác, thân nhau thì xếp loại 1, loại 2, còn lẻ loi thì “chốt hạ”, càng có chuẩn càng dễ đánh giá theo chủ quan của người quản lý.

Chuẩn nào đi nữa thực tế đối với người thầy, quan trọng hàng đầu là lương và công việc ổn định thì họ mới có thể an tâm công tác, dốc sức cho nghề, cho học trò.