Bác sĩ đang vô tình đẩy người bệnh vào “thảm họa” kháng thuốc
Đó là thực tế đang diễn ra được các chuyên gia nêu lên trong hội nghị chuyên đề "Mối nguy hiểm của kháng thuốc" tổ chức tại TPHCM ngày 17/11. B
S Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, tại Chợ Rẫy hiện có khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê toa bất hợp lý. Nguyên nhân là do bác sĩ thiếu kiến thức hoặc xác định nhầm bệnh; điều trị kháng sinh đã bị đề kháng; điều trị kháng sinh không đủ liều; điều trị kháng sinh quá mức... khiến bệnh nhân bị kháng kháng sinh.
Kháng kháng sinh là một trong những vấn nạn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân loại |
Cụ thể, các trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý chiếm tỷ lệ cao là bệnh nhân không nhiễm khuẩn hoặc không do vi khuẩn nhưng bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh chiếm 32%; bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh kéo dài không cần thiết chiếm 33%. Đối với bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng nếu chậm trễ trong 1 giờ sử sụng kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ tử lên đến 70%. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng kháng kháng sinh hiện khá phổ biến nên nguy cơ bệnh nhân không đáp ứng với thuốc điều trị là rất cao.
Đồng quan điểm với BS Thảo, TS.DS Huỳnh Hiền Trung, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM cho biết, bác sĩ thường vấp phải những sai lầm trong việc chỉ định sử dụng kháng sinh đối với bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng như không thực hiện phân tầng bệnh nhân; khởi đầu điều trị kháng sinh trễ; không căn cứ vào các thông tin có sẵn về bệnh nhân, mầm bệnh và về thuốc khánh sinh; dùng kháng sinh không đủ liều và không dựa vào dược lực, dược động của thuốc; chưa đánh giá lại người bệnh mỗi ngày để xem xét khả năng xuống thang kháng sinh hoặc ngưng kháng sinh đúng lúc.
Hiện tình trạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng đang có tốc độ gia tăng rất cao. Đây là một bệnh rất cần thiết phải sử dụng kháng sinh nếu bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh không hợp lý ở những bệnh nhân này sẽ rất nguy hiểm, gây ra nhiều hệ lụy như: tăng tỷ lệ tử vong, tăng kháng thuốc, tăng chi phí điều trị. Một phần nguyên nhân trên là do các bác sĩ thiếu cập nhật hướng dẫn sử dụng kháng sinh. Điều này khiến các bác sĩ không biết ý nghĩa, mục đích của việc phân tầng để làm gì, không biết dựa vào cơ sở nào để phân tầng, phân tầng như thế nào...” TS Trung cho biết.
Khống chế và kiểm soát kháng kháng sinh là nhiệm vụ rất nặng nề của ngành y tế |
Ngoài ra, Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM còn cảnh báo một vấn nạn khác không kém phần nguy hiểm đó là tình trạng người dân có thói quen sử dụng kháng sinh bừa bãi. Minh chứng cho vấn đề trên, BS Hoàng chỉ ra có đến 78% kháng sinh được mua tại các nhà thuốc tư nhân mà không cần đơn. Nhiều phụ huynh do thiếu hiểu biết nên đang có những hành vi tai hại như tự chẩn đoán bệnh cho con và tự đi mua thuốc về điều trị cho các bé. Thực tế thăm khám tại Nhi Đồng 1 cho thấy nhiều phụ huynh có thói quen dùng lại toa thuốc cũ mỗi khi con bị bệnh điều đó sẽ khiến nguy cơ kháng kháng sinh trở nên khó lường hơn.
Phân tích của các nhà chuyên môn chỉ ra, khi loại kháng sinh đang sử dụng nhưng bị kháng, muốn đạt được mục tiêu điều trị, người bệnh phải sử dụng một loại kháng sinh khác để thay thế. Tuy nhiên, tốc độ kháng kháng sinh hiện nay đang gia tăng ở mức rất nhanh đặc biệt là tại những nước đang phát triển song nghiên cứu để tìm ra một loại kháng sinh mới thì rất tốn thời gian, tiền bạc.
Từ năm 2008 đến năm 2011 thế giới chỉ nghiên cứu và sản xuất được 2 loại kháng sinh thế hệ mới. Các công ty dược trên toàn cầu hiện rất ít chú tâm vào việc nghiên cứu và phát triển kháng sinh, vấn nạn không còn thuốc điều trị trong tương lai của nhân loại ngày càng đến gần. Để đối phó với thực trang trên, ngành y tế nói riêng và hệ thống pháp luật nhà nước nói chung cần có những giải pháp ngăn chặn buôn bán kháng sinh tràn lan trên thị trường, buộc bác sĩ phải cập nhật kiến thức sử dụng thuốc cho người bệnh thường xuyên, liên tục để chỉ định đúng thuốc, đúng bệnh góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng kháng kháng sinh.