Bác Hồ với Thái Nguyên
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại Thái Nguyên nhiều năm trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp |
Ngay từ năm 1940, khi chuẩn bị về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ “từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thi khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Sau cách mạng tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tin tưởng lựa chọn Thái Nguyên, chỉ đạo xây dựng ATK Định Hóa - Thái Nguyên là Thủ đô kháng chiến, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan Chính phủ ở và lãnh đạo cả nước kháng chiến chống Thực dân Pháp từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đến năm 1954. Nơi ấy phải có nhân dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, nơi đó "tiến có thể đánh, lui có thể giữ". Cùng với các An toàn khu Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương và nhiều địa phương khác ở Việt Bắc, trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trung tâm kháng chiến, căn cứ địa tuyệt mật Định Hoá, Thái Nguyên chính là sự lựa chọn phù hợp với quy luật của chiến tranh cách mạng khi kết hợp tài tình các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thúc đẩy cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
Trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Bác Hồ ở Khuôn Tát, Tỉn Keo, Điểm Mạc... anh Trường Trinh cũng ở trong vùng đó. Và cơ quan Bộ Tổng tư lệnh suốt cuộc kháng chiến đều ở Thanh Định..."
Tại ATK Thái Nguyên, những quyết định, sắc lệnh, thông tư quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội đều ra đời trong thời gian các cơ quan lãnh đạo cao nhất có mặt ở Định Hóa. Và từ đây, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Cùng với nhân dân các dân tộc căn cứ địa Việt Bắc, ATK Thái Nguyên đã không chỉ che chở, đùm bọc Người và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, mà còn có quyền tự hào đã trực tiếp đóng góp sức người, sức của, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia Cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Nói đến Thái Nguyên là nói đến Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương... và rất nhiều địa danh đi vào lịch sử dân tộc. Và nói đến Thái Nguyên là nói đến tình cảm đặc biệt của Bác Hồ, của Trung ương, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc tỉnh Thái Nguyên."
Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, Thái Nguyên luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Kể từ sau khi chia tay với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc để trở về Hà Nội năm 1954 cho đến cuối đời, Người đã có 7 lần về thăm Thái Nguyên. Mỗi lần về thăm, Bác cố gắng đi thật nhiều nơi, gặp nhiều người, nhiều tầng lớp để tìm hiểu các mặt đời sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ đảng viên, công nhân, nông dân trong tỉnh. Đã có một Thái Nguyên - Thủ đô gió ngàn và cũng đã có một Thái Nguyên nghĩa nặng tình sâu với Bác như thế.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tình cảm của Bác Hồ với Thái Nguyên rất đặc biệt. Ý chí quyết tâm của Bác và của Đảng là kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành và thi đua yêu nước là đánh giặc lập công, diệt chủ nghĩa cá nhân để cho cán bộ, đảng viên giữ trọn niềm tin với Đảng. Và tất cả những điều đó đã để lại kỷ niệm sâu sắc với Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và cũng thể hiện tình cảm của Bác, sự tin cậy, hy vọng ở Thái Nguyên những gì trong suốt chặng đường lịch sử kháng chiến cứu quốc."
Trong lần về thăm Thái Nguyên lần cuối cùng, ngày 01/01/1964, Người nói: “… Tỉnh ta sẵn có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hoá, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có đức tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Thái Nguyên đang vươn mình trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc |
Ngày hôm nay, vùng đất địa linh nhân kiệt, địa chỉ đỏ của vùng Việt Bắc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn dành niềm tin, tình cảm, sự tin tưởng đang nỗ lực phấn đấu để hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội./.