Ngay từ những ngày đầu phong trào cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhìn ra vị trí chiến lược của Thái Nguyên: “…từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ”. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Ngày 20/5/1947, Bác Hồ về đến ATK Định Hoá, Thái Nguyên. Đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá là nơi dừng chân đầu tiên của Bác trên mảnh đất Thái Nguyên. |
“Nơi ở và làm việc của Bác là một căn nhà sàn lợp lá gồm hai gian được dựng trên đồi Khau Tý, nép mình bên cây cổ thụ giữa khu rừng nứa thuộc thôn Nạ Tra. Căn nhà Bác ở thoáng mát, vách nứa được đan rất khéo, nhìn rất đẹp. Trên một phía vách có treo một chiếc áo the dài, một khăn xếp, một chiếc ô đen. Đó là những thứ Bác dùng để cải trang khi đi công tác. Dưới sàn là hai chiếc vali dùng để đựng tài liệu và quần áo. Giữa sàn trải một chiếc chiếu… Cách căn nhà Bác ở khoảng 10 mét là một căn nhà nhỏ xinh xắn, giữa hai căn nhà là sân đất sạch sẽ, ở góc sân có một xà đơn, một xà kép, cạnh đó là hầm tránh máy bay”. (Sách “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ”) |
Năm ấy, ông Ma Đình Khoa (con trai của ông Ma Đình Tương, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Định Hóa) còn nhỏ tuổi. Nhưng những ký ức về Bác Hồ còn ghi dấu mãi trong lòng ông, không thể nào quên: "Bác đến Khau Tý, Điềm Mặc, về nguyên tắc lúc đó là bí mật. Khi bố tôi đến, cùng với một số anh em địa phương và các đồng chí đi theo bảo vệ làm lán cho Cụ, thì cây cối lấy ở đâu là đã có sự chỉ đạo. Khi bà con biết rồi thì điều ý thức nhất là ý thức bảo vệ Bác Hồ, thứ hai là giữ bí mật. Còn các việc khác thì bà con vẫn làm ăn bình thường". Tại lán Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều quyết sách quan trọng trong những ngày đầu kháng chiến, nêu lên phương hướng phá tan cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp. Cũng tại đây, Người viết cuốn sách Sửa đổi lối làm việc, một tác phẩm có ý nghĩa to lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc nêu 6 nội dung lớn, là 6 vấn đề hệ trọng, về: Phê bình và sửa chữa; mấy điều kinh nghiệm; tư cách và đạo đức cách mạng; vấn đề cán bộ; cách lãnh đạo và chống thói ba hoa. Trong đó, có những vấn đề là trước mắt, dễ khắc phục, có vấn đề là lâu dài, cần kiên trì, thường xuyên giáo dục, sửa chữa, tất cả đều nhất quán theo một chủ đề “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, tác phẩm là một phần quan trọng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đổi mới: "Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, chính trên quê hương cách mạng Thái Nguyên, Bác viết "Sửa đổi lối làm việc". Đây là tác phẩm thể hiện tư tưởng đổi mới đầu tiên của Bác trong điều kiện Đảng đã cầm quyền. Trong tác phẩm này, Người đặc biệt nhấn mạnh, phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, mà Bác gọi giản dị là lối làm việc. Và cũng trong năm 1947, Bác còn viết tác phẩm "Đời sống mới", với bút danh Tân Sinh, cũng nói về đổi mới nhưng dưới góc độ văn hóa, về con người. Và cho đến sau đó 2 năm, mă, 1949, Bác viết tác phẩm "Dân vận", cũng trên quê hương Thái Nguyên. Đấy là một chuỗi tác phẩm nói về tư tưởng đổi mới của Bác, từ Đảng đến chính quyền Nhà nước, đến đoàn thể nhân dân, đến cán bộ Đảng viên..." |
Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, tính thời sự trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tăng cường cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Theo đó, các cấp ủy Đảng tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt; xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình hành động cụ thể để thực hiện các nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đi đôi với nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Phong cách cán bộ, đảng viên có ý nghĩa tạo nên lề lối làm việc của tổ chức, phương thức lãnh đạo của Đảng, quyết định mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và hiệu quả công tác trong Đảng. Việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần hoàn thành các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo ra phong trào sâu rộng, lan tỏa mạnh mẽ, góp phần cải thiện các chỉ số của tỉnh như: Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 2; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) ở vị trí thứ 9; Thái Nguyên cũng là một trong 10 địa phương trong cả nước dẫn đầu về Chỉ số chuyển đổi số (DTI). Thực hiện lời dạy của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ đề ra. Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội; diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều thay đổi. Đến năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh đạt trên 152.000 tỷ đồng (tương đương gần 6,5 tỷ USD), đứng thứ 2 trong 14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và nằm trong 14 tỉnh cao nhất cả nước. |