Bà Park Geun-hye bị phế truất, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xáo động mạnh?
Các cơ quan Chính phủ bị “chia năm xẻ bảy”
Theo Yonhap, ngay sau khi bà Park Geun-hye bị phế truất, một trong những chủ đề nóng tại hầu hết các cơ quan Chính phủ Hàn Quốc là các bộ, ban, ngành sẽ phải tái cấu trúc như thế nào.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ xáo trộn dữ dội nếu bà Park Geun-hye ra đi?. Ảnh: Yonha |
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh, ứng cử viên hàng đầu thay thế bà Park Geun-hye hiện nay là ông Moon Jae-in- lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập- người từ lâu khẳng định sẽ cải tổ lại toàn bộ các cơ quan Chính phủ Hàn Quốc. Chính vì thế, việc xảy ra nhiều xáo trộn trong những tháng tới được cho là “chắc chắn sẽ xảy ra”.
Tại Sejong - “thành phố hành chính” thứ 2 của Hàn Quốc sau thủ đô Seoul - tâm trạng lo lắng bất an hiện rõ trên khuôn mặt các quan chức của 2 Bộ quan trọng và quyền lực nhất tại đây là Bộ Chiến lược và Tài chính và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng. Họ lo ngại rằng, quyền lực của họ sẽ bị “chia năm xẻ bảy” trong tương lai.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại, Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông và Hoạch định Tương lai- một Bộ mới được thành lập dưới
thời bà Park Geun-hye sẽ bị giải tán cùng với Bộ Giáo dục khi Chính phủ mới lên nắm quyền.
“Mọi chuyện hiện rất phức tạp, tôi và các đồng nghiệp rất lo lắng về việc cơ quan của chúng tôi sẽ thay đổi như thế nào và chúng tôi sẽ làm việc tại đâu sau khi Chính phủ mới được thành lập”, một quan chức làm việc tại Sejong chia sẻ: “Chúng tôi rất khó tập trung vào công việc”.
Chia ra rồi lại nhập vào?
Trong khi đó, Đảng Dân chủ đối lập cũng đã công bố kế hoạch sơ bộ về việc giải tán Bộ Tài chính và Ủy ban Dịch vụ Tài chính để thành lập ra 2 bộ mới phụ trách vấn đề ngân sách và chính sách tài chính riêng rẽ.
Các quan chức Bộ Tài chính Hàn Quốc hiện vẫn bất đồng về việc liệu có cần một cơ quan phụ trách ngân sách mới độc lập với Bộ Tài Chính hay không bởi cơ quan này từng phải sáp nhập vào Bộ Tài chính hồi năm 2008.
“Chúng tôi thích được tách ra hơn. Chúng tôi muốn là một Bộ độc lập chứ không phải là một cơ quan thấp hơn của Bộ Tài chính”, Tổng Giám đốc Văn phòng Ngân sách tại Bộ Tài chính chia sẻ: “Chúng tôi có quyền tự đưa ra quyết định của mình. Điều mà chúng tôi từng làm 10 năm trước”.
Trong khi đó, một quan chức khác lại lên tiếng phản đối gay gắt: “Chúng tôi đã làm mọi điều có thể. Chúng tôi từng có Văn phòng Ngân sách và Văn phòng Chính sách Kinh tế độc lập nhưng rồi lại phải sáp nhập lại. Tổ chức hiện tại không có vấn đề gì cả và cũng không cần phải thay đổi”.
Các quan chức Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng cũng đã bàn đến khả năng cơ quan của mình bị chia nhỏ. Nhiều người trong số này chỉ trích Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng là một Bộ quá lớn và chì trệ và khó có khả năng đối phó với cách thách thức lớn hiện nay như biến đổi khí hậu và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó, dưới thời bà Park Geun-hye, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng được thành lập nhờ sự sáp nhập của Bộ Thương mại và Cục Thương mại thuộc Bộ Ngoại giao vào năm 2013.
Trong bối cảnh khả năng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng có thể bị chia nhỏ, rất ít quan chức muốn đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Cục Thương mại được cho là sẽ phải tách khỏi Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng.
Thậm chí, vị trí Thứ trưởng phụ trách về Đàm phán thương mại đã bị bỏ trống trong vài tuần liền hồi tháng 1 vừa qua do không có ai nộp đơn ứng tuyển vào vị trí này do lo ngại sẽ bị điều chuyển sang lãnh đạo Cục Thương mại.
“Đây là một vị trí không hề dễ dàng gì. Người nắm giữ vị trí này cần phải thể hiện được quyền lực của mình so với các quan chức của các Bộ khác vốn có lợi ích hoàn toàn khác biệt. Điều này sẽ chỉ xảy ra nếu người nắm giữ vị trí này ở trong một Bộ rất quyền lực như Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng”, một quan chức chia sẻ.
Khó đập bỏ hết “di sản” của bà Park Geun-hye
Một trong những biểu tượng lớn dưới thời của bà Park Geun-hye chính làBộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông và Hoạch định Tương lai với khẩu hiệu nổi tiếng liên quan đến “một nền kinh tế sáng tạo”.
Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông và Hoạch định Tương lai được ưu ái ở lại Seoul trong khi 13 Bộ và cơ quan Chính phủ khác phải chuyển đến Sejong.
Các quan chức Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông và Hoạch định Tương lai cho rằng, việc cơ quan của mình bị giải tán “chỉ còn là vấn đề thời gian”. Nhiều người còn lên kế hoạch chuyển đến Sejong trước khi cơ quan này bị chuyển đến đó theo cam kết của ứng viên Tổng thống Moon Jae-in.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tái cấu trúc Chính phủ cần phải hướng đến việc xây dựng một chính phủ làm việc hiệu quả thay vì chỉ chăm chăm xóa bỏ mọi “tàn tích” của Chính phủ tiền nhiệm.
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ mới tại Hàn Quốc cần phải đưa ra được một kết hoạch có thể khiến các quan chức Chính phủ hiện tại chấp nhận quay trở lại làm việc như trước.
“Tổng thống mới cần phải kiềm chế, tránh thay đổi quá mức cấu trúc Chính phủ mà người tiền nhiệm đã thiết lập”, ông Kim Kwang-woong - Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định: “Người ấy cần phải làm mọi việc một cách cẩn trọng trong khi vẫn hướng đến tương lai. Một Tổng thống khôn ngoan là người biết kế thừa những chính sách tốt của người tiền nhiệm”./.