Áp lực trái phiếu riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng trong tháng 8
Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. |
Theo ước tính của công ty chứng khoán này, trong tháng 8/2023 sẽ có khoảng hơn 27,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, cao hơn khoảng 31% so với tháng 7/2023 (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 26/7/2023).
Tính đến ngày 26/7/2023, có khoảng 65 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. VNDIRECT ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này vào khoảng 172,62 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 15,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 31/7/2023, có 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 7/2023 với tổng giá trị 5.180 tỷ đồng và 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 7.500 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 9,4%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,7 năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 78.988 tỷ đồng, gồm 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 20,8% tổng giá trị phát hành) và 63 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 62.512 tỷ đồng (chiếm 79,2%).
Ngành Ngân hàng chiếm đa số với 28.631 tỷ đồng, chiếm 36,2% tổng giá trị phát hành, theo sau là nhóm bất động sản với 26.055 tỷ đồng, chiếm 33% tổng giá trị phát hành. Các đợt phát hành của nhóm ngân hàng hầu hết chỉ mới được phát hành kể từ cuối tháng 6.
Trong tháng 7, các doanh nghiệp đã mua lại 20.533 tỷ đồng trái phiếu, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. VBMA cho biết, trong 5 tháng cuối năm 2023, ước tính sẽ có khoảng 132.637 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.