Ấn Độ nghi ngờ vũ khí Mỹ sau vụ UAV 200 triệu USD bị Iran bắn hạ - VnExpress
Một chiếc MQ-9 Reaper trong biên chế không quân Mỹ. Ảnh: USAF.
"Quân đội Ấn Độ đang đặc biệt lo ngại về hiệu quả tác chiến và khả năng sống sót của trinh sát cơ không người lái (UAV) Mỹ trong không phận nguy hiểm dọc biên giới giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc, những quốc gia được trang bị hệ thống phòng không hiện đại", quan chức giấu tên trong không quân Ấn Độ hôm qua tiết lộ.
Vụ Iran bắn rơi máy bay RQ-4N của hải quân Mỹ trên eo biển Hormuz hồi tháng trước khiến quân đội Ấn Độ phải xem xét lại kế hoạch chi 6 tỷ USD mua 30 UAV từ Mỹ. Không quân và lục quân nước này ban đầu dự định đặt mua 10 chiếc MQ-9 Reaper, trong khi hải quân mua phiên bản UAV tuần thám tầm xa.
Quân đội Ấn Độ cũng cho rằng UAV Mỹ có mức giá quá cao, khi mỗi chiếc MQ-9 Reaper với đầy đủ khí tài tác chiến sẽ tiêu tốn tới 200 triệu USD.
"Điều này có nghĩa là UAV Mỹ đắt hơn cả tiêm kích đa năng Rafael mang đầy vũ khí. Trong trường hợp đó, không quân Ấn Độ sẽ ưu tiên mua thêm chiến đấu cơ mang tên lửa đối không tầm xa, lục quân tập trung thay thế xe tăng T-72 lạc hậu. Hải quân sẽ đầu tư vào các tàu chiến thay vì UAV vũ trang để bảo đảm khả năng triển khai sức mạnh trên biển", quan chức Ấn Độ giấu tên nói thêm.
Đòn tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào lực lượng quân sự Mỹ. |
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm 20/6 bắn hạ UAV Mỹ với lý do xâm phạm không phận, trong khi Washington khẳng định máy bay trúng đạn khi đang hoạt động trên không phận quốc tế cách bờ biển Iran khoảng 34 km.
Giới chuyên gia quân sự nhận xét việc mất chiếc RQ-4N khiến Mỹ tổn thất nặng nề, đánh dấu lần đầu một biến thể của dòng Global Hawk bị bắn rơi trong 18 năm vận hành. UAV hơn 200 triệu USD bị tiêu diệt bởi tên lửa gần một triệu USD cũng ảnh hưởng xấu tới triển vọng xuất khẩu vũ khí của Mỹ cho nhiều nước, khi Iran chứng minh những trinh sát cơ được trang bị nhiều công nghệ tối tân vẫn có thể bị hạ bởi tên lửa có giá tương đối rẻ.