50 năm ngày Bác Hồ đi xa - Giữ yên giấc ngủ cho Người
Lễ thượng cờ, chào cờ sáng tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN) |
Năm 2019 là tròn 50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa và 44 năm khánh thành công trình Lăng Bác.
Với quyết tâm, tinh thần, trách nhiệm cao, các cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, sáng tạo, vượt qua muôn vàn gian khó, thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt tại một công trình đặc biệt.
50 năm qua, bên đài hoa vĩnh cửu, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy, giữ yên giấc ngủ cho vị cha già của dân tộc.
Vinh dự được canh giấc ngủ cho Người
Ngày nối ngày, trên Quảng trường Ba Đình, hàng vạn người dân trong nước, khách quốc tế chậm bước, nhẹ nhàng tiến về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tôn nghiêm, tỏ lòng thành kính sâu sắc với Bác Hồ - Người thầy vĩ đại của Đảng, vị cha già dân tộc ta, tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng.
Mặc dù đến thăm Lăng Bác đã khá nhiều lần, nhưng ông Nguyễn Văn Khiêm (Quỳnh Phụ, Thái Bình) vẫn không giấu nổi sự xúc động, bồi hồi.
Ông Khiêm cho biết: “Khi đến thăm Lăng Bác, trong tôi luôn dâng trào cảm xúc như một người con ở xa về thăm cha già. Tôi thường dẫn theo con, cháu đi cùng để các cháu hiểu được những công lao to lớn mà Bác đã làm cho đất nước và thế hệ sau này phải học tập, noi gương Bác.”
Bất cứ ai vào Lăng viếng Bác đều được các cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn tận tình. Đón tiếp hàng nghìn du khách mỗi ngày, nhưng các cán bộ, chiến sỹ luôn thể hiện sự chu đáo, lịch sự, văn minh.
Thiếu tá Nguyễn Dự Long, Đội trưởng Đội tiêu binh danh dự, Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Đối với chúng tôi, việc canh giấc ngủ cho Người là một niềm vinh dự lớn lao. Tôi rất tự hào, xúc động khi hàng ngày được đón tiếp người dân trong nước và các vị khách quốc tế tới viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt được tận mắt chứng kiến tình cảm của đồng bào từ mọi miền Tổ quốc dành cho Bác. Xúc động thay khi có những Mẹ Việt Nam Anh hùng tuổi đã cao, sức khỏe yếu, vẫn vượt hàng ngàn cây số để ra Thủ đô, vào Lăng viếng Bác. Đây chính là động lực thôi thúc mỗi cán bộ, chiến sỹ chúng tôi nỗ lực phấn đấu, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.”
Để thỏa lòng mong mỏi của con dân đất Việt được nhìn thấy Bác, 50 năm qua, các cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua mọi khó khăn, từ những tổ y tế đầu tiên được cử sang Liên Xô học tập công nghệ, đến những lần di chuyển thi hài Bác trong điều kiện chiến tranh, bão lụt...
Nhờ vậy, đơn vị đã phát huy tinh thần thi đua sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo quản, gìn giữ an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng, tu bổ cụm Di tích lịch sử, văn hóa Ba Đình, mà trọng tâm là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chú trọng xây dựng tiềm lực con người, cơ sở vật chất
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn, đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người.”
Ngày 2/9/1969 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào cõi vĩnh hằng. Theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn, thi hài Bác được chuyển về Quân y Viện 108.
Các đồng chí trong Tổ Y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô đã tập trung tiến hành từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỉ mỉ, chính xác để giữ nguyên những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc của Bác đúng như lúc sinh thời.
Thành công trên của các chuyên gia y tế Liên Xô và Tổ Y tế đặc biệt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là tiền đề, cơ sở quyết định cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Đại tá Bùi Hải Sơn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc giữ gìn thi hài trong điều kiện thăm viếng là một lĩnh vực khoa học chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, một quốc gia ở vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, kinh tế còn nghèo, lại đang tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Song với lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước Liên Xô (nay là Liên bang Nga), nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại Tổ quốc yêu dấu của Người đã được Tổ Y tế đặc biệt, sau đó là Đoàn 69, tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng ngày nay triển khai thực hiện tốt ngay từ những giờ đầu, ngày đầu, tháng đầu.
Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch. (1998). (Ảnh: Đình Na/TTXVN) |
Bên cạnh đó, cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế đơn vị luôn nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa công tác y tế và công tác kỹ thuật trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ, cải tiến trang thiết bị trong nhiệm vụ làm thuốc, pha chế dung dịch; bảo đảm thi hài Bác luôn được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất.
Thực hiện Đề án 2341 ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 122 ngày 8/3/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới,” đơn vị đã triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng tiềm lực về con người, cơ sở vật chất.
Đến nay, đơn vị đã làm chủ được quy trình làm thuốc, pha chế thành công dung dịch và sản xuất bộ quần áo đặc biệt trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đây là bước phát triển, trưởng thành của đơn vị, đánh dấu quá trình nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học; khẳng định từ nay ta có khả năng làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Đại tá Bùi Hải Sơn, cùng với công tác y tế, công tác kỹ thuật là một lĩnh vực đặc biệt, một nhiệm vụ rất quan trọng của đơn vị. Trong những năm chiến tranh (1969-1975), nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác được thực hiện trong điều kiện rất phức tạp, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kỹ thuật và phải di chuyển nhiều lần tới nhiều địa điểm.
Công tác kỹ thuật trong giai đoạn này không chỉ bảo đảm ổn định thông số, môi trường tại các công trình đặc biệt, mà còn phải chống lại được tác động cơ học trong những lần di chuyển.
Sau khi đón Bác về Lăng, công tác bảo đảm kỹ thuật được thực hiện trong điều kiện mới với những yêu cầu đòi hỏi cao hơn. Nhiệm vụ chính của các hệ thống thiết bị tại công trình Lăng là tạo ra và duy trì môi trường không khí tinh khiết, có chế độ nhiệt ẩm thích hợp, đáp ứng nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác trong điều kiện thăm viếng với các yêu cầu chính xác, ổn định, thường xuyên liên tục.
Tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), mới đây, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Y tế cấp Nhà nước về kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng kết luận trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được giữ gìn rất tốt, chưa phát hiện bất kỳ sự thay đổi nào so với các số liệu được thể hiện trong biên bản kiểm tra thi hài của các Hội đồng trước đây (được tiến hành trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 2009).
Phát huy thành tích và kết quả đạt được trong 50 năm qua, trong giai đoạn mới, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công trình, đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ và các sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng.
Đơn vị nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường, tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác; quản lý, vận hành an toàn các hệ thống thiết bị kỹ thuật, khai thác hiệu quả thiết bị mới lắp đặt, bảo đảm thông số đúng quy định, có hệ số dự phòng cao.
Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thiết bị phục vụ nhiệm vụ chính trị, tu bổ tôn tạo kiến trúc công trình Lăng cùng các công trình liên quan khang trang, sạch đẹp; không ngừng nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, tuyên truyền nhân dân, khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan công trình Lăng của Người và Khu Di tích K9./.