3 kịch bản sau khi Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit
Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 15/1, 432 nghị sỹ trong Hạ viện Anh đã bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit mà chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã đạt được với Liên minh châu Âu (EU) cuối tháng 11/2018. Con số này cao gấp hơn 2 lần so với 202 nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ.
432 nghị sỹ trong Hạ viện Anh bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit mà chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã đạt được với EU cuối tháng 11/2018. Ảnh: Financial Times |
Kết quả này khiến nước Anh rơi vào một tình thế phức tạp mới. Ngay trong tối 15/1, thủ lĩnh Công đảng đối lập, Jeremy Corbyn cũng đã đệ trình yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ của Thủ tướng Theresa May và Hạ viện Anh sẽ thảo luận và bỏ phiếu trong ngày hôm nay (16/1).
Dưới đây là 3 kịch bản chính của nước Anh trong bối cảnh thời hạn 29/3/2019 đang đến gần – ngày mà nước Anh sẽ tự động rời khỏi EU:
1. “Giằng co” với Hạ viện
Chính phủ Anh và các nhà lãnh đạo EU nói rằng, thỏa thuận của họ là tốt nhất hiện nay và bất chấp thất bại lịch sử trong ngày 15/1, Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng, đó vẫn là lựa chọn duy nhất.
Trong số các phiếu chống có tới 118 phiếu của các nghị sĩ nằm trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền của bà Theresa May. Những người này cho rằng, thỏa thuận Brexit giữ Anh ở quá gần EU, trong khi các đảng đối lập nói rằng nó không bảo vệ được mối quan hệ kinh tế giữa Anh với EU. Cả 2 bên đều không thích kế hoạch để mở đường biên giới Ireland (giữa Bắc Ireland thuộc Anh với Cộng hòa Ireland), còn gọi là backstop, theo đó, Anh vẫn giữ các quy định của EU về thương mại.
Bà May cảnh báo, không có “thỏa thuận thay thế” nào về những đề xuất từ EU, nhưng bà vẫn để ngỏ khả năng thảo luận với các nghị sỹ trong Hạ viện Anh về các ý tưởng có thể “đàm phán được” với EU.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Geoffrey Cox trước đó nói với các nghị sỹ Anh rằng thỏa thuận Brexit “sẽ phải trở lại cùng một dạng và cùng một nội dung tương tự”.
Không gì có thể ngăn cản chính phủ trình lên Hạ viện một thỏa thuận không khác gì thỏa thuận Brexit vừa bị bác bỏ hết lần này đến lần khác cho đến khi các nghị sỹ chấp nhận nó, hoặc tìm cách lật đổ bà May – người phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong ngày 16/1 mà Công đảng đối lập kêu gọi.
2. Kịch bản ngày phán xét
Kịch bản này đe dọa sẽ kéo nước Anh vào một cuộc suy thoái và làm chậm lại đáng kể sự phát triển kinh tế của EU. Đây là lựa chọn mặc định nếu Hạ viện Anh lại bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit và không có một giải pháp nào khác trước ngày 29/3.
Thỏa thuận của bà May là nhằm bảo lưu các quy tắc thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình trong giai đoạn chuyển giao cho tới cuối năm 2020.
Một sự chuyển đổi đột ngột sang các tiêu chuẩn khác sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế và có thể khiến chi phí sản xuất hàng ngày ở Anh gia tăng, đồng thời tạo sự ngắt quãng trong các dịch vụ hậu cần.
Từ nhiều tuần qua, chính phủ Anh chuẩn bị cho kịch bản không thỏa thuận Brexit. Cũng có sự hoài nghi ngày càng gia tăng ở London và Brussels rằng, bà May sẽ tìm cách trì hoãn Brexit để tránh kịch bản không thỏa thuận.
3. Trưng cầu ý dân lại về Brexit
Những người ủng hộ ở lại EU kêu gọi một cuộc bỏ phiếu (trưng cầu ý dân) khác, mặc dù số người ủng hộ Brexit giành chiến thắng với 52% số phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. Những yêu cầu bỏ phiếu lại về Brexit ngày càng tăng trong những tháng gần đây.
Không có luật nào ngăn cản nước Anh tiến hành lại một cuộc trưng cầu ý dân về Brexit, nhưng nhiều câu hỏi đặt ra liệu nó có dân chủ hay không. Một cuộc bỏ phiếu lại cũng sẽ chỉ là sự chia rẽ trong dân chúng, bởi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy các cử tri Anh vẫn bất đồng sâu sắc về Brexit.
Bà May cảnh báo một cuộc bỏ phiếu lại sẽ gây ra sự tổn hại không thể sửa chữa đối với nền chính trị nước Anh. Bước đi đầu tiên có thể sẽ là gia hạn ngày rời khỏi EU, mặc dù các nhà ngoại giao EU cảnh báo, sự trì hoãn cũng chỉ có thể là vài tháng./.