Xử lý cán bộ, vẫn còn những câu hỏi day dứt
Liên tiếp những cá nhân, tổ chức, những cái tên trước đây luật bất thành văn coi là “vùng cấm”, là bất khả xâm phạm được nhắc tới, được đưa ra xem xét thẳng thắn và kết luận khách quan.
Đó là Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Ban Thường vụ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ban cán sự Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương. Đó là Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, là Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, là Nguyễn Xuân Anh, Tất Thành Cang, là Phan Văn Vĩnh hay đô đốc Nguyễn Văn Hiến.
Kỳ họp 37 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương |
Tại kỳ họp 37 vừa qua, cơ quan kiểm tra Đảng cấp Trung ương tiếp tục kết xem xét, kết luận sai phạm của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, của ba Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và nhiều tổ chức Đảng, cá nhân có sai phạm khác.
Chưa khi nào, kết luận các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại được người dân trông đợi như từ sau Đại hội XII của Đảng hiện nay.
Không chỉ là kỷ luật bao nhiêu cán bộ, những ai phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm điều lệ Đảng, địa chỉ nào của một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất mà người dân có các kết luận ấy là câu trả lời thỏa đáng, minh bạch cho những nỗ lực gạt bỏ cái xấu, là minh chứng khẳng định tính chiến đấu, sự thẳng thắn, dũng cảm của Đảng, nhằm thanh lọc cán bộ, gây dựng lòng tin trong nhân dân.
Nhưng việc lôi ra ánh sáng những “con sâu mọt” ẩn mình dưới vỏ bọc lãnh đạo, dưới “cái mác” phẩm chất đạo đức tốt; việc đưa ra nhiều nhân vật được bảo vệ trong “vòng kim cô”; việc kiên quyết không để cho một số người được “hạ cánh an toàn”, được thực hiện các “chuyến tàu vét”; việc làm rõ những sai phạm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu; việc thải loại những “hậu duệ” được dựng lên bởi cái bóng của “quan cách mạng” chưa hẳn khiến người dân an lòng.
Họ băn khoăn vì sao nhiều cán bộ hư hỏng thế, vì sao cái hư, cái xấu ẩn giấu lâu thế mà tổ chức Đảng, đoàn thể không biết; vì sao có người vừa được bổ nhiệm hôm trước, hôm sau đã bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật; vì sao cán bộ sai phạm ở chỗ này lại được luân chuyển sang vị trí khác, thậm chí chức vụ cao hơn, lĩnh vực dễ dàng “kiếm chác” hơn; vì sao một số người sai phạm, vi phạm rõ ràng mà vẫn chùng chình, chưa xử lý; vì sao những kẻ lợi dụng chức quyền vơ vét, đục khoét tài sản của Nhà nước, của tập thể, trở thành những “con sâu mọt” tệ hại của xã hội mà vẫn được ưu ái “xếp nhầm chỗ”.
Những câu hỏi ấy cho thấy một thực tế là niềm tin của người dân đối với đội ngũ cán bộ của Đảng chưa thực sự vững chắc. Họ nghi ngờ chất lượng cán bộ, họ hoài nghi tính trung thực, tinh thần cống hiến của những người đảm đương quốc gia đại sự.
Vậy nên, một trong những nhiệm vụ trọng yếu đặt ra cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương là dưới sự giám sát của nhân dân phải tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát, tiếp tục thực hiện chỉnh đốn Đảng, kiên quyết loại bỏ những cán bộ đảng viên hư hỏng, những cán bộ gây nên sự hoài nghi cho nhân dân, tiêu cực trong xã hội để giữ nguyên kỷ luật Đảng.
Và căn cơ, cốt lõi là khi đã xây dựng được đội ngũ cán bộ liêm chính, kiên quyết không để xảy ra tình trạng nhầm lẫn đáng tiếc trong đánh giá phân loại, nhận diện và sử dụng cán bộ, không để cho người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta phải khổ tâm, đau xót kỷ luật một vài người để cứu muôn người./.