Xả rác bừa bãi: Phạt hay đe?
Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP từ ngày 1/2/2017, những hành vi làm ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường công cộng sẽ bị phạt nặng. Thế nhưng, sau hơn nửa tháng nghị định có hiệu lực, rất ít trường hợp bị xử phạt.
Người dân vẫn vô tư xả rác
Ngày 11/2 vừa qua, quan sát của PV tại khu vực động Hương Tích (chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), người dân đi lễ vẫn vô tư xả rác không đúng nơi quy định. Để giữ gìn cảnh quan cho danh thắng, nhà chùa đã phải thuê một đội ngũ quét dọn.
Chị T, một người được thuê quét dọn tại chùa cho biết: “Mặc dù tại mỗi khu vực nhà chùa đều bố trí các thùng đựng rác nhưng người dân vẫn có thói quen tiện đâu xả đấy. Rác vứt khắp mọi nơi, chúng tôi cứ phải dọn luôn tay từ sáng sớm đến 10h đêm. Riêng khu vực động Hương Tích, mỗi ngày không dưới 200 bao rác được thu gom. Nếu người đi lễ ai cũng có ý thức bỏ rác vào thùng thì việc dọn dẹp của chúng tôi đỡ vất vả”.
Rác thu gom vào bao tại khu vực động Hương Tích (ảnh chụp ngày 11/2). ảnh: Hường Lưu. |
Hỏi chị Lan, một người đi lễ rằng chị có biết hành vi xả rác nơi công cộng có thể bị phạt số tiền lên đến 7 triệu đồng, chị Lan kêu lên: “Ôi dào, bao nhiêu người xả rác thế kia lấy đâu ra người mà xử phạt. Mà nếu có người xử phạt, thì dù họ vừa vứt rác đấy, nhưng họ chối thì làm gì được họ, vì có gì làm bằng chứng”.
Không chỉ tại chùa Hương, nhiều lễ hội, đình chùa khác trên khắp cả nước, khá nhiều người đi lễ vẫn chưa có ý thức giữ gìn cảnh quan chung. Tuy nhiên chưa thấy ai bị xử phạt.
Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng tới 1 triệu đồng; Hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng; Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng; Các hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.
(Nghị định 155/2016/NĐ-CP)
Đi trên đường phố Hà Nội không khó để bắt gặp những bịch rác đủ loại bên lề đường. Ví như tại khu vực chân cầu vượt Ngã Tư Sở thường xuất hiện đống rác ngay bên lề đường trông rất mất vệ sinh. Dù nhân viên môi trường đi thu dọn ngày 2 - 3 lần nhưng rác vừa dọn đi lại có người đến vứt. Tại khu vực đầu ngõ 12 phố Đỗ Quang cũng thường là nơi tập kết rác của người dân trong ngõ. Dù đã có quy định về giờ đổ rác nhưng không ít gia đình không đổ rác đúng giờ mà họ cứ tiện lúc nào mang rác ra đầu ngõ để lúc ấy.
Anh H, công an phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Nếu được giao xử phạt theo Nghị định 155, chúng tôi chỉ có thẩm quyền xử phạt hành vi vứt đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định với mức xử phạt thấp nhất là 500.000 đồng. Còn với các hành vi có mức xử phạt cao hơn như vệ sinh cá nhân, vứt rác không đúng nơi quy định… thì chúng tôi không có thẩm quyền xử phạt. Nghị định này quy định cho có thôi chứ việc xử phạt trên thực tế rất khó vì chúng tôi lấy đâu ra người đi rình bắt xử phạt những hành vi gần như là thói quen của khá nhiều người”.
Khó xử phạt
Ngày 13/2, công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã xử phạt 3 người đi tiểu không đúng nơi quy định với tổng số tiền là 6 triệu đồng. Tuy nhiên để có thể xử phạt 3 người này, ngày 10/2, công an quận Hoàng Mai đã phải mật phục để ghi hình làm bằng chứng xử phạt. Việc có người bị xử phạt theo Nghị định 155 phần nào cũng có tác dụng răn đe những đối tượng có ý định vi phạm, nhưng người dân đang có tâm lý chờ đợi xem việc xử phạt sẽ được Hà Nội triển khai trên diện rộng hay chỉ làm một vài vụ “lấy thành tích” báo cáo.
Rác thải bên lề đường phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). (ảnh: Lê Hải). |
Lý giải về việc tại những nước phát triển người ta áp dụng việc xử phạt những hành vi làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường công cộng rất tốt nhưng ở Việt Nam lại khó thực thi, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, tại những nước phát triển, dữ liệu của từng cá nhân được lưu giữ và thông tin minh bạch. Khi bị camera công cộng ghi lại hành vi vi phạm, việc xử phạt lập tức được thực hiện bằng cách trừ tiền trong tài khoản của người vi phạm.
Tại Việt Nam rất ít người đăng ký tài khoản cá nhân, hệ thống lưu trữ dữ liệu cá nhân của ta cũng làm chưa tốt dẫn đến việc xử phạt được thực hiện một cách thủ công giữa những con người với nhau. Điều này dẫn đến hệ lụy, người vi phạm thì tìm cách đối phó, trốn tránh phải thực hiện nghĩa vụ do mình vi phạm gây ra, người có thẩm quyền thì bị tình cảm làng xã chi phối hoặc đôi khi có cả tiêu cực dẫn đến việc bỏ qua vi phạm, làm cho luật pháp được thực hiện không nghiêm.
Việc cùng một hành vi nhưng người bị xử phạt, người không, dễ khiến người dân cảm thấy bất công, không phục.
Theo ông Truyền, thẩm quyền xử phạt trong Nghị định 155 đang có vấn đề, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, chiến sĩ công an chỉ được quyền xử phạt 500.000 đồng, mức phạt thấp nhất mà Nghị định 155 đưa ra. Với mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng thì phải cấp chủ tịch phường mới có thẩm quyền xử phạt. Còn cán bộ công chức xã, phường đang làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường chỉ được lập biên bản chuyển về chủ tịch phường để ra quyết định xử phạt. Việc xử phạt không được thực hiện ngay, liên tục, tính giáo dục, răn đe sẽ giảm. Rồi là chuyện nếu người vi phạm không có tiền thì giữ chứng minh thư của họ hay đưa họ về phường, tất cả điều này sẽ tạo ra một núi công việc cho người thực thi./.