Vụ pate Minh Chay: Chất kịch độc và bài toán khan hiếm thuốc giải
Hai lọ thuốc giải độc (Botulism Antitoxin Heptavalent) đã được khẩn cấp chuyển từ Thái Lan về đến Bệnh viện Bạch Mai để sử dụng giải độc cho hai bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Liên tiếp trong thời gian gần đây, những ca bệnh nhập viện sau khi ăn sản phẩm pate Minh Chay khiến nhiều người bàng hoàng.
Nhiều bệnh nhân nhập viện bị ngộ độc botulinum trong tình trạng nặng với những biểu hiện liệt cơ, nhiều trường hợp phải thở máy…
Liệt người khi nhập viện
Trong vụ việc này, các trường hợp đầu tiên được phát hiện tại Bệnh viện Bạch Mai sau đó xuất hiện ca bệnh ngộ độc tại nhiều tỉnh thành khác nhau.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết đó là trường hợp hai vợ chồng người 70 tuổi, người 68 tuổi ở Hà Nội. Người nhà của bệnh nhân kể lại từ đầu tháng 7, ông bà đã ăn hết một lọ pate Minh Chay (mua online) nhưng chưa có biểu hiện lạ. Đến gần hết hộp thứ hai thì cả hai bắt đầu có những biểu hiện như đau họng, sụp mi, khó nuốt, yếu tay, chân và khó thở.
Ngày 18/8, hai trường hợp trên nhập viện với biểu hiện liệt lan tỏa: liệt từ vùng đầu mặt cổ, liệt lan xuống tới tay, chân, liệt cả 2 bên. Đây là những biểu hiện liệt phổ biến, đặc trưng của ngộ độc do vi khuẩn C. Botulinum gây ra.
Hiện nay, người chồng dù đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn trong tình trạng nặng. Bệnh nhân liệt hoàn toàn, không thể thở được và phải phụ thuộc vào máy thở. Người vợ cũng bị liệt cơ, không tự ngồi dậy được, không tự ăn và luôn có nguy cơ bị sặc, viêm phổi.
Sau hơn 20 ngày điều trị, được giải độc từ hai lọ thuốc giải độc từ Thái Lan gửi về Việt Nam qua đường hàng không và sử dụng luôn trong ngày cho 2 bệnh nhân, đến nay hai trường hợp trên đang có diễn biến sức khỏe khả quan hơn (sau khi được sử dụng thuốc giải độc vào ngày 29/8).
Trong đó, bệnh nhân nữ có diễn biến tốt hơn hẳn, đã tự ngồi, tự chăm sóc cá nhân, nói rõ. Đặc biệt, bệnh nhân đã tự ăn uống được bằng đường miệng và có thể đi lại. Bệnh nhân nam cải thiện chậm do ăn nhiều pate Minh Chay hơn, nhiễm độc nặng hơn.
(Ảnh: PV/Vietnam+) |
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đến nay đã tiếp nhận 35 trường hợp đến khám, sàng lọc sau khi ăn Pate Minh Chay. Không chỉ tại Hà Nội mà từ tháng 8 đến nay, tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước cũng ghi nhận những trường hợp ngộ độc pate Minh Chay tại nhiều tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh (9 ca), Đồng Nai (3 ca), tỉnh Quảng Nam (3 ca)…
Tất cả các trường hợp trên đều có biểu hiện lâm sàng tương đồng nhau. Tất cả các bệnh nhân này - dù ở nhiều tỉnh, thành khác nhau - đều cùng sử dụng một sản phẩm là Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội).
Theo thống kê, từ ngày 1/7 đến 28/8, Công ty Lối sống mới đã bán ra 21.540 sản phẩm với 11.771 khách hàng cá nhân mua sản phẩm của công ty, trong đó, 6.393 khách hàng mua sản phẩm pate Minh Chay. Riêng tại Hà Nội, có 2.072 khách hàng mua sản phẩm của công ty, trong đó gần một nửa khách hàng mua sản phẩm pate Minh Chay.
Khan hiếm thuốc giải độc
Đại diện Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay ngày 19/8/2020,Cục nhận được thông tin từ Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thông báo có hai vợ chồng bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm ngày 18/8/2020 từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương và được Trung tâm chống độc chẩn đoán ban đầu "Theo dõi ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố Botulinum."
Cùng ngày 19/8/2020, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn hỏa tốc đề nghị Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương điều tra, xác minh thông tin.
Ngày 20/8/2020 đoàn kiểm tra của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Lối sống mới tại thị trấn Đông Anh, Hà Nội và ghi nhận: Đây là cơ sở sản xuất do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Chi Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội) quản lý và cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm từ ngày 03/01/2020. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra Công ty không duy trì điều kiện vệ sinh như: vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh dụng cụ, cống rãnh thoát nước…
Vì vậy, đoàn kiểm tra đã giao phòng Y tế huyện Đông Anh đình chỉ hoạt động sản xuất của công ty, yêu cầu khắc phục điều kiện vệ sinh đồng thời lấy mẫu sản phẩm tại công ty gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xét nghiệm tìm vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Ngày 28/8/2020, Cục An toàn thực phẩm nhận được kết quả kiểm nghiệm của Viện Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum trong sản phẩm Pate Minh Chay. Đơn vị này cũng nhận được thông báo kết quả kiểm nghiệm sản phẩm pate Minh Chay nguyên hộp của Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Bác sỹ Nguyên giới thiệu về thuốc giải độc được vận chuyển từ Thái Lan về. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Bác sỹ Nguyên cho biết trong rất nhiều năm công tác, hầu như chưa có ngộ độc loại vi khuẩn này. Trong y văn, ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum cũng là ngộ độc quá cổ điển, hiếm gặp.
Chuyên gia chống độc cho rằng, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là loại ngộ độc kinh điển trong y văn nhưng trên thực tế xảy ra không thường xuyên, yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên việc chẩn đoán xác định rất khó khăn. Có thể nói ở Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế trước đây chưa chính thức ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc thuộc loại này. Điều đáng ngại nữa, đây là loại ngộ độc hiếm nên thuốc giải độc thuộc hàng hiếm.
Ở Việt Nam hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu là giải độc tố botulinum. Vì vậy, nhờ sự can thiệp, giúp đỡ của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, Vụ Kế hoạch tài chính, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm chống độc Ramathiboditại Bangkok (Thái Lan) và Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ngày 29/8/2020, hai lọ thuốc giải độc (Botulism Antitoxin Heptavalent) đã được khẩn cấp chuyển từ Thái Lan về đến Bệnh viện Bạch Mai để sử dụng giải độc cho hai bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng đang điều trị tại đây.
Giá 1 lọ thuốc giải độc là 8.000 USD (do Canada sản xuất, hạn sử dụng 2022) và ngay lập tức cho 2 bệnh nhân sử dụng (mỗi người 1 lọ). Đây là loại thuốc hiếm, bệnh nhân được miễn phí do Tổ chức Y tế thế giới chi trả.
Lý giải nguyên nhân của loại ngộ độc này, bác sỹ Nguyên cho hay do xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (chai, lọ, lon, hộp, túi) không đảm bảo an toàn dẫn tới có mặt một số loại vi khuẩn phát triển và sinh độc tố gây bệnh.
Vi khuẩn thủ phạm phổ biến là Clostridium botulinum, còn gọi là vi khuẩn độc thịt (vì ban đầu xảy ra chủ yếu với thịt hộp). Vi khuẩn này tồn tại nhiều ở ngoài môi trường lẫn trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, lúc này vi khuẩn ở dạng có vỏ bọc chịu đựng tốt với đun nấu thông thường (gọi là bào tử). Vi khuẩn này kỵ khí (chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí), không phát triển được trong môi trường chua (pH<4,6), mặn (nồng độ muối ăn >5%).
Như vậy, các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn (quy trình sản xuất không đảm bảo sạch), sau sản xuất thực phẩm được đóng gói kín như chai, lọ, hộp, lon, túi, trong khi đó không đủ độ chua, độ mặn như trên thì rõ ràng tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum.
Pate Minh Chay. (Ảnh: website nhà sản xuất) |
Theo bác sỹ Nguyên, dù loại vi khuẩn này nhiễm độc tố trên thịt hộp nhưng qua các các vụ ngộ độc cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản… khi được sản xuất để lẫn bào tử vi khuẩn, đóng gói kín không đảm bảo đủ điều kiện ngăn chặn vi khuẩn phát triển (ví dụ độ chua, độ mặn), đặc biệt sản xuất thủ công, tại gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ, không được kiểm soát chặt về chất lượng vẫn có thể xảy ra.
Bác sỹ Nguyên cho biết độc tố này chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong, có thể coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay. Việc giữ các sản phẩm chứa độc tố này tại nhà rất nguy hiểm, không may có người không biết hoặc nhầm lẫn ăn phải thì lại gây ngộ độc. Do đó các sản phẩm chứa độc tố này cần được nhanh chóng loại khỏi đời sống càng sớm càng tốt.
Các bác sỹ khuyến cáo, để tiếp tục phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum người dân cần tuyệt đối ngừng sử dụng các sản phẩm của công ty này (trong đó chủ yếu là pate Minh Chay). Với những người đã sử dụng phải theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bất thường (đau bụng, buồn nôn, đau họng, nhìn mờ, chân tay mỏi yếu…) cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám và kiểm tra./.
Để kịp thời hỗ trợ Việt Nam trong việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm độc tố Botulinum do ngộ độc thực phẩm, Phó giáo sư Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Các chương trình Kiểm soát bệnh tật kiêm Giám đốc Các chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, khu vực Tây Thái Bình Dương đã chỉ đạo Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum để điều trị cho các bệnh nhân đang trong tình trạng hiểm nghèo do nhiễm độc tố Botulinum. Số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong chuyến bay ngày 8/9/2020 từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sỹ về Hà Nội và được bảo quản trong điều kiện đặc biệt của loại huyết thanh này |