Vì sao “vỡ trận” vắc xin dịch vụ 6 trong 1 tại Đà Nẵng?
Thời gian gần đây, mỗi đợt có vắc xin dịch vụ 6 trong 1 là người dân lại đổ xô về Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng để cho con. Hầu như ai người đều đi rất sớm, từ lúc 2 -3 giờ sáng đã đến xếp hàng chờ bốc số. Thậm chí có những gia đình ở Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị cũng đến đây để tiêm. Thức trắng đêm chờ bốc số nhưng vẫn không tiêm được vì nguồn vắc xin không đủ để đáp ứng nhu cầu của người.
Người dân đi từ 1 - 2 giờ sáng để chờ bốc số tiêm vắc xin 6 trong 1 cho con |
Đỉnh điểm là sáng 28/3, rất đông người dân đã tập trung về Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng từ lúc 1 -2 giờ sáng. Mọi người đứng kín cả đoạn đường trước cổng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng chờ bốc số. Nhiều phụ huynh ở xa phải bồng con đi từ lúc trời chưa sáng. Khi cánh cổng của Trung tâm vừa được mở ra, mọi người thi nhau ào vào bên trong gây ra cảnh chen lấn, xô đẩy. Có người nôn nóng còn trèo qua hàng rào để vào bên trong Trung tâm. Có người quá khích còn đập bể cả máy bốc số. Trước tình trạng trên, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng buộc phải tạm dừng hoạt động trong sáng nay (28/3).
Những người ở xa phải bồng con đi lúc trời còn chưa sáng |
Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng cho biết, đầu năm 2019, Đà Nẵng nhập về gần 2.000 liều vắc xin dịch vụ 6 trong 1, triển khai tiêm chủng và hết ngay trong tháng 2.
Đợt này, Trung tâm nhập về 500 liều, trong ngày hôm qua (27/3) đã tiêm hết 320 liều, còn lại 180 liều cho ngày hôm nay. Dự kiến tháng 5/2019, vắc xin 6 trong 1 mới có lại.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng kín người từ trong ra ngoài |
Theo ông Thạnh, việc người dân đổ xô đi tiêm vắc xin dịch vụ 6 trong 1 là do chương trình tiêm chủng mở rộng chuyển đổi vắc xin Quinvaxem qua Combe Five. Vắc xin Combe Five đã được Tổ chức Y tế thế giới công bố, các chuyên gia của Bộ Y tế xác định đây là vắc xin an toàn, hiệu quả và đã được sử dụng trên 43 quốc gia.
“Tuy nhiên, vừa rồi khi triển khai tiêm có một số trường hợp ở một số tỉnh sau khi tiêm có phản ứng nặng. Mặc dù các hội đồng đánh giá sau tiêm đã khẳng định không phải do vắc xin nhưng người dân vẫn lo lắng. Cho nên người ta chọn tiêm vắc xin dịch vụ”, ông Thạnh cho biết.
Ông Thạnh cho hay, tại Đà Nẵng, vắc xin Combe Five đã được triển khai từ tháng 1/2019 đến nay tại 56 trạm y tế xã, phường và đã có 3.200 lượt trẻ em được tiêm. Tính đến nay, không ghi nhận trường hợp nào phản ánh nặng sau tiêm.
Ông Thạnh khuyên người dân về trạm y tế xã, phường để tiêm chủng và thực hiện theo đúng lời khuyên của cán bộ y tế. Đừng chờ vắc xin dịch vụ vì hiện nay nguồn vắc xin này rất hiếm. Nếu để trễ, không được tiêm đúng lịch, đủ liều trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Cũng theo ông Thạnh thông tin, từ khi triển khai tiêm vắc Combe Five, số trẻ tiêm chỉ đạt 35%, kết quả rất thấp so với vắc xin Quinvaxem (đạt 90 -95%).
Để tránh tình trạng như sáng nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng đã cho những người có nhu cầu tiêm vắc xin đăng ký với Trung tâm, khi có vắc xin lại Trung tâm sẽ thông báo để người dân biết.
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho rằng, do khâu tuyên truyền cho được tốt nên nhiều người dân còn lo lắng nên không đưa con đi tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà lại chọn vắc xin dịch vụ.
Theo bác sĩ Hồng, cần đẩy mạnh hơn nữa khâu tuyên truyền để người dân hiểu và yên tâm đưa con đi tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.