Vì sao gần 600 cử nhân diện cử tuyển "bơ vơ" sau khi tốt nghiệp?
Theo báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, từ năm 2005 đến này, các huyện miền núi Nghệ An có 884 sinh viên cử tuyển là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, có 602 người học đai học, 147 học tập tại các trường cao đẳng và 125 người học trung cấp. Thời điểm hiện tại đã có 844 sinh viên cử tuyển hoàn thành xong chương trình học và đã có bằng tốt nghiệp, còn 40 người đang theo học chương trình đại học.
Cử tuyển là chính sách ưu đãi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 274 người được bố trí vị trí công tác. (ảnh minh họa) |
Trong số 844 người thuộc diện cử tuyển đã có bằng tốt nghiệp mới chỉ có 274 người đã bố trí được việc làm, còn tới 570 người đang thất nghiệp. Việc cử đi học nhưng không bố trí được vị trí công tác gây lãng phí về nguồn ngân sách, khiến người được cử đi học hoang mang, mất niềm tin khi không được bố trí công tác, lâm vào cảnh thất nghiệp.
Nguyên nhân của tình trạng này đã được ông Đậu Văn Thanh – Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An chỉ rõ. “Các huyện, các đơn vị xây dựng, đề xuất chỉ tiêu cử người đi học không sát thực tiễn. Có 1 chỉ tiêu nhưng đề xuất 2 đến 3 người đi học, gây nên tình trạng thừa cung. Bên cạnh đó, có những vị trí dự kiến dành cho cử tuyển nhưng đã bố trí khi người cử tuyển đang đi học, đến khi học xong thì không còn vị trí nữa. Mặt khác, có một số trường hợp thời gian học tương đối dài, 6-8 năm, các vị trí dự kiến ban đầu không thể “đợi’ được”, ông Đậu Văn Thanh cho hay.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến tình trạng con em đồng bào dân tộc thiểu số học cử tuyển xong không được bố trí việc làm là do thời gian vừa qua, chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức không tăng, do đó các huyện, các cơ quan đơn vị không bố trí được vị trí công tác cho đội ngũ này .
Ông Đậu Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An lý giải nguyên nhân gần 600 cử nhân diện cử tuyển chưa được bố trí vị trí công tác. |
Theo Nghị định 34/NĐ-CP, người được cử đi học (cử tuyển), khi học xong sẽ được bố trí vị trí công tác trong bộ máy cơ quan công quyền. Tuy nhiên, theo Luật Công chức, viên chức thì phải thi tuyển, xét tuyển. Trên thực tế, trong các cuộc thi tuyển công chức, viên chức, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cử tuyển khó có thể cạnh tranh với các ứng viên khác.
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian qua, UBDN tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành có liên quan ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số và số con em đã học cử tuyển. Sở Nội vụ Nghệ An chỉ đạo các huyện, ban ngành rà soát lại vị trí để bố trí đội ngũ này. Hiện nay một số đơn vị như Ban dân tộc, huyện Quỳ Châu, Quế Phong… đã thực hiện bố trí được một số vị trí cho đội ngũ này.
Hiện, UBND tỉnh Nghệ An và Sở Nội vụ Nghệ An đang tìm cách tháo gỡ các vướng mắc để bố trí công tác cho đội ngũ sinh viên cử tuyển, đảm bảo thực hiện đúng chính sách cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng được yêu cầu việc làm ở các vị trí được bố trí.