Vấn đề Jerusalem phủ bóng nỗ lực của Mỹ về hòa bình Trung Đông
Đây được coi là một trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình Trung Đông trong bối cảnh Mỹ đang bị chỉ trích mạnh mẽ sau quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Đặc phái viên Greenblatt (trái). Ảnh: Haaretz. |
Các quan chức của Văn phòng Thủ tướng Israel Netanyahu không đưa ra thêm thông tin gì về cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ Greenblatt. Trước đó, ngày 19/12, đặc phái viên Greenblatt đã gặp đại diện đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Đông Fernando Gentilini và Tướng quân đội Israel Yoav Mordechai, người đứng đầu cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Israel, chịu trách nhiệm về các hoạt động tại vùng lãnh thổ Palestine.
Theo kế hoạch ban đầu, chuyến thăm của ông Greenblatt tới Israel bên cạnh việc thảo luận những nỗ lực hòa bình, còn một mục đích khác là chuẩn bị cho chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Israel và Ai Cập cũng dự kiến diễn ra trong tuần này. Tuy nhiên, hôm 18/12 vừa qua, Nhà Trắng thông báo ông Pence sẽ lùi chuyến thăm này tới giữa tháng 1 năm sau, để tham gia phiên bỏ phiếu dự luật cải cách thuế lớn nhất của Mỹ.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc hoãn chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tới Trung Đông một mặt là để tránh các cuộc bạo lực, mặt khác đây cũng là “kế hoãn binh” để chính quyền Mỹ khôi phục các mối quan hệ xung đột với các nước Arab ở Trung Đông có ảnh hưởng tới Palestine.
Ông Mahdi Abdul Hadi, Chủ tịch Viện Xã hội Palestine về nghiên cứu các vấn đề quốc tế cho biết: “Đó là mối quan hệ giữa Mỹ và Israel. Mỹ không thể khiêu vũ một mình trong khu vực với Israel. Điều đó sẽ khiến Mỹ càng giống kẻ thù, một kẻ xâm chiếm hay một kẻ thực dân. Và Mỹ tất nhiên là không muốn như vậy. Ngoài ra họ cũng muốn để lại một không gian để xem xét lại vị trí của mình với các cuộc đàm phán trong tiến trình hòa bình”.
Tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine đã rơi vào bế tắc kể từ khi cuộc đàm phán được Mỹ hậu thuẫn đổ vỡ vào mùa Xuân năm 2014.
Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ mong muốn khởi động lại các cuộc đàm phán để thúc đẩy "thỏa thuận cuối cùng", nhưng việc ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã cản trở kế hoạch này. Đây cũng là lý do Chính quyền Palestine nói rằng họ không có ý định tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ.
Ông Ahmad Majdalani, một thành viên trong Ủy ban điều hành Phong trào giải phóng Palestine xác nhận phía Palestine sẽ không có cuộc gặp với ông Greenblatt dù là chính thức hay không chính thức. Tổng thống Palestine Mahmud Abbas từng tuyên bố sẽ không gặp Phó Tổng thống Mỹ Pence khi ông này có chuyến thăm Trung Đông.
Cho rằng Mỹ không còn có thể giữ vai trò hòa giải trong các cuộc đàm phán sau lời tuyên bố gây tranh cãi về Jerusalem, Palestine cũng đang tìm kiếm bảo trợ quốc tế mới cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Một nguồn tin chính thức ngày 19/12 cho biết Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cử các phái đoàn tới Trung Quốc và Nga để đề nghị hai nước này tham gia tích cực hơn trong tiến trình hòa bình với Israel.
Việc cử các đoàn đại biểu tới những quốc gia khác cũng truyền đi thông điệp Palestine coi trọng vai trò bảo trợ của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình hòa bình dưới danh nghĩa của Liên Hợp Quốc./.