Chỉ số tín nhiệm đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sụt giảm mạnh lần đầu tiên sau hơn 2 tháng nhậm chức.

Hơn 2 tháng ngồi ghế Tổng thống Pháp, chỉ số tín nhiệm của ông Emmanuel Macron lần đầu tiên bị sụt giảm.

uy tin cua tong thong phap macron sut giam nhanh den bat ngo

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Reuters)

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất được Viện Thăm dò dư luận Pháp (IFOP) thực hiện trong tuần trước cho Nhật báo Chủ nhật và công bố ngày 23/7, chỉ số tín nhiệm đối với Tổng thống Pháp trong tháng 7 đã giảm mạnh so với tháng 6.

Cụ thể, 54% người số người được hỏi tuyên bố hài lòng với ông Macron, giảm đến 10% so với tháng 6.

Đây là mức sụt giảm trong 1 tháng lớn nhất đối với một Tổng thống Pháp mới nhậm chức kể từ năm 1995, thời điểm ông Jacques Chirac đắc cử Tổng thống Pháp.

Điều đáng lo ngại hơn đối với ông Macron là sự mất tín nhiệm của ông được ghi nhận ở hầu hết mọi tầng lớp cử tri, từ những người trên 65 tuổi, giới công chức, ở cả cánh tả lẫn cánh hữu.

Để so sánh, chỉ số tín nhiệm của tân Tổng thống Emmanuel Macron kém hơn hai người tiền nhiệm gần đây nhất, ở cùng thời điểm sau 2 tháng cầm quyền, là các ông Francois Hollande và Nicolas Sarkozy.

Vào tháng 7/ 2012, ông Hollande nhận được sự hài lòng của 56% dân chúng Pháp còn vào tháng 7/2007, ông Nicolas Sarkozy được đến 66% dân Pháp ủng hộ.

Kết quả thăm dò dư luận này được xem là một bất ngờ bởi lẽ trong thời gian qua, ông Emmanuel Macron đã có những màn thể hiện tương đối ấn tượng trên cương vị Tổng thống Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại khi liên tiếp có các cuộc tiếp xúc thành công với các chính trị gia hàng đầu thế giới, tiêu biểu là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vì thế, việc ông Macron sụt giảm uy tín được xem là có nguyên nhân chủ yếu từ vấn đề đối nội, trong đó nổi bật là 2 sự kiện.

Thứ nhất, là vụ căng thẳng tuần trước giữa ông Macron với giới quân đội Pháp dẫn đến việc từ chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp của Tướng Pierre de Villiers.

Ông Macron đã bị chỉ trích gay gắt từ nhiều phía với cách hành xử bị nhiều người xem là độc đoán trong vụ việc này.

Nguyên nhân thứ hai, là việc chính quyền của ông Macron mới đưa ra một loạt các quyết định gây tranh cãi như việc tăng thuế đóng góp vào an sinh xã hội khiến giới về hưu chỉ trích gay gắt.

Ngoài ra còn kể đến việc giảm trợ cấp nhà ở, giảm chế độ phụ cấp cho công chức cũng như việc đòi hỏi các chính quyền địa phương cắt giảm ngân sách nhiều hơn.

Những chính sách này được chính quyền của ông Macron xem là cần thiết để thúc đẩy cải cách, nhưng lại đụng chạm đến quyền lợi của nhiều tầng lớp trong xã hội Pháp.

Tất cả những điều trên đưa đến nhận định rằng, sau một thời gian đầu được xem là “tuần trăng mật” trên cương vị Tổng thống Pháp, ông Macron bắt đầu phải đối mặt với thực tại khó khăn và phức tạp của xã hội Pháp.

Và các cải cách táo bạo hơn mà ông Macron tuyên bố sắp thực hiện, như sửa đổi Luật lao động, chắc chắn sẽ còn vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ hơn từ các đảng đối lập cũng như các lực lượng công đoàn.

Điều tương tự cũng đang chờ đợi Thủ tướng Pháp, Edouard Philippe. Cũng giống như ông Macron, chỉ số tín nhiệm của Thủ tướng Pháp Philippe cũng đã sụt giảm mạnh đến 8 điểm trong tháng 6./.