“Ùn tắc giao thông ở Hà Nội “đốt” hơn nửa tỷ đô la mỗi năm”
Ngày 3/7, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XV, đại biểu Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cho rằng, Thủ đô Hà Nội đang gặp rào cản cũng như nguy cơ tụt hậu về quản lý đô thị.
Ông Nguyễn Phi Thường đánh giá sự cần thiết của đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào thời điểm hiện tại.
“Nếu không phải là ngay lúc này, Hà Nội sẽ không có cơ hội để hành động thoát khỏi ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Phi Thường nói.
Theo ông Nguyễn Phi Thường ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội mỗi năm "đốt" khoảng 600 triệu đô la |
Chủ tịch Transerco đưa ra 3 lý do chính cho sự cần thiết của đề án trên. Thứ nhất, đó là sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông thành phố đã không thể theo kịp tốc độ phát triển của xe cá nhân; Thứ hai, đó là ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông có nguyên nhân chính từ phương tiện cá nhân; Thứ ba là, các đô thị phát triển đều có chính sách quản lý phương tiện cá nhân bằng hành chính và kinh tế phù hợp điều kiện hạ tầng giao thông.
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có trên 5,2 triệu xe máy, nửa triệu ô tô. Theo ông Nguyễn Phi Thường ùn tắc giao thông tại Hà Nội mỗi ngày thêm trầm trọng và hiện đang “đốt” 12.800 tỷ đồng (tương đương gần 600 triệu đô la) của xã hội mỗi năm.
Ông Thường cho biết, phương tiện giao thông và khí thải giao thông đóng góp khoảng 70% vào ô nhiễm. Tương tự, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi xe mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ hơn 70%. Vì vậy, theo ông Thường hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân sẽ hình thành thói quen sử dụng phương tiện vận tải công cộng an toàn, có lợi cho sức khỏe của người dân.
Theo ông Nguyễn Phi Thường tùy vào từng giai đoạn phương tiện cá nhân ở các đô thị trong khu vực phải được kiểm soát. “Với xe máy là có lộ trình hạn chế và cấm hẳn. Đó là minh chứng cho sự phát triển linh hoạt của đô thị phù hợp thực tế mang tính lịch sử của các thành phố”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.
Đánh giá cao đề án, tuy nhiên ông Thường cũng lưu ý ban soạn thảo cần tạo được sự đồng thuận từ dư luận; Phải ưu tiên phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả của vận tải hành khách công cộng bao gồm xe buýt và các tuyến đường sắt đô thị…