Hàng nghìn taxi ngoại tỉnh sắp tự động rời Hà Nội?
Dự thảo “Quản lý vận kinh doanh vận tải bằng hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội” sẽ khiến nhiều xe taxi ngoại tỉnh khó làm ăn hơn tại Hà Nội? |
Ngày 23/5/2017, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo “Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội”.
Sau khi nghe báo cáo, tập thể lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất kết luận và đưa ra ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 471/TB-UBND ngày 29/5/2017. Đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã chỉnh sửa, bổ sung các nội dung theo chỉ đạo và đưa ra dự thảo Quy chế.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, Dự thảo trên vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến của các Sở, ban ngành liên quan và ý kiến của các doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề quản lý hàng nghìn xe taxi do các tỉnh lân cận Hà Nội cấp phép nhưng lại thường xuyên về Hà Nội kiếm khách, làm phá vỡ quy hoạch taxi của Thủ đô, gia tăng ùn tắc giao thông, ông Đào Việt Long cho biết: Trong Dự thảo lần này có nội dung, ngoài các điều kiện kinh doanh đã được quy định trước đó, các hãng taxi tới đây sẽ phải đăng ký thêm vùng hoạt động (được đăng ký nhiều vùng hoạt động).
Cụ thể, phương tiện taxi của các đơn vị đảm bảo hoạt động khai thác theo đúng phương án kinh doanh đã đăng ký (đăng ký vùng phục vụ, biển số hoạt động theo vùng, màu sơn, địa điểm giao ca, thời gian giao ca…) và được Sở GTVT Hà Nội phê duyệt.
Ngoài ra, phương tiện không được hoạt động lớn hơn 30% số ngày trong 1 tháng ngoài vùng phục vụ chính.
“Chúng tôi quy định các hãng taxi phải đăng ký vùng hoạt động để nhằm kiểm soát, phân bố số lượng xe các khu vực cho đồng đều. Đương nhiên việc này chỉ áp dụng đối với các đơn vị vận tải hành khách bằng xe taxi do Hà Nội cấp phép” – ông Long cho biết.
Phóng viên nêu vấn đề, nếu Sở GTVT các tỉnh không bắt buộc các hãng taxi phải đăng ký vùng phục vụ, hàng nghìn taxi ngoại tỉnh vẫn tiếp tục ở lại Hà Nội hoạt động thì sẽ quản lý thế nào? Ông Long giải thích: Tại Điều 13 có Quy định về điểm đón – trả khách, điểm đỗ xe taxi công cộng, điểm đỗ xe taxi của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi.
Cụ thể, tại Điều 13 nói trên quy định về điểm dừng, đón, trả khách cố định cho xe taxi: Các điểm dừng, đón, trả khách cố định tại các khách sạn, trung tâm thương mại, các bệnh viện, bến xe, nhà ga, điểm trung chuyển xe buýt, các khu vui chơi giải trí và khu vực công cộng…
Khi quy hoạch, xây dựng phải bắt buộc phải bố trí điểm đón trả khách bằng xe taxi, đồng bộ với mạng lưới vận tải hành khách công cộng khác.
Xe taxi chỉ được dừng, đón, trả khách tại các điểm có biển báo, vạch sơn kẻ đường theo quy định; không được dừng, đón, trả khách tại các vị trí không có biển báo đón, trả khách.
Tại điểm dừng đón, trả khách cho xe taxi được trang bị màn hình điện tử (hoặc đèn báo) để gọi xe.
Xe taxi được dừng đón, trả khách tại điểm đón trả khách cho xe taxi trong thời gian không quá 2 phút. Sau thời gian 2 phút, xe taxi phải di chuyển khỏi điểm đón trả khách.
Không thực hiện thu phí đối với các xe ra vào các điểm đón, trả khách cho xe taxi; Các xe taxi hoạt động tại vùng 2 khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng 1 chỉ được trả khách không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại.
“Về nguyên tắc thì các xe taxi được quyền dừng, đón, trả khách tại các vị trí không có biển cấm. Tuy nhiên, thời gian tới, để tránh lộn xộn, đưa xe taxi vào hoạt động nề nếp, ổn định hơn, chúng tôi sẽ hạn chế việc dừng đỗ đón trả khách đối với xe taxi tại một số tuyến phố của Hà Nội. Tại các tuyến phố hạn chế dừng đỗ này chúng tôi sẽ bố trí lắp đặt các biển dừng đỗ cho xe taxi như nói ở trên.
Do đó, các xe taxi Hà Nội sẽ được ưu tiên dừng đỗ đón trả khách tại các điểm này, còn các xe taxi ngoại tỉnh sẽ không được vào. Nếu xe taxi ngoại tỉnh vào các tuyến phố hạn chế này để đón trả khách sai quy định sẽ bị xử lý” – ông Long phân tích.
Theo ông Long, từ các quy định về điểm dừng đỗ nói trên, thời gian tới nhiều xe taxi ngoại tỉnh sẽ thấy khó khăn hơn, họ sẽ tự điều chỉnh và rời các địa bàn đó.
Vùng phục vụ chính của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi: Là khu vực xác định theo địa giới hành chính mà phương tiện taxi của các đơn vị vận tải hành khách bằng xe taxi đăng ký khai thác (tập trung dừng, đỗ, đón, trả khách), gồm 2 vùng: Vùng 1 và vùng 2, trong đó:
Vùng 1: Bao gồm địa giới hành chính tại các quận trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các đơn vị vận tải có trụ sở ghi trên Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Sở GTVT cấp trước ngày 31/5/2017 nằm trên địa bàn các quận được gọi là taxi vùng 1.
Vùng 2: Bao gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Các đơn vị vận tải có trụ sở ghi trên Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Sở GTVT Hà Nội cấp trước ngày 31/5/2017 nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được gọi là taxi vùng 2.