Hà Nội cấm xe máy trong các quận nội thành từ năm 2030
Sáng 4/7, HĐND TP Hà Nội đã chính thức thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.
Trên địa bàn thành phố hiện có 5,2 triệu xe máy, hơn 485 ngàn ô tô, trong khi đó năng lực đường đô thị chưa đáp ứng so với yêu cầu. Vì vậy, Hà Nội lo ngại tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành và các cửa ngõ ra vào thành phố ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, tết.
Ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ Thủ đô ngày càng nghiêm trọng |
Tình hình ô nhiễm môi trường trong không khí trên địa bàn thành phố cũng có những diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. UBND TP Hà Nội cho biết, hoạt động giao thông vận tải đường bộ được xác định chiếm tới 70% trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Thành phố Hà Nội cho rằng, sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.
Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ có khoảng 843 nghìn ô tô, hơn 6 triệu xe máy. Đến năm 2030 thành phố có hơn 1,9 triệu ô tô và 7,5 triệu xe máy.
Từ những vấn đề trên, đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố vừa được HĐND TP Hà Nội thông quan nêu rõ sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.
Đề án nêu rõ, trong thời gian tới Hà Nội cũng sẽ cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Thành phố cũng sẽ ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh.
Với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab...), thành phố cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng.
Đề án cũng nêu rõ, chủ sở hữu ô tô phải mở tài khoản điện tử, lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...); thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng lũy tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm.
Lộ trình thực hiện Đề án gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT.
Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.