Tuyến biên giới nghĩa tình
Cán bộ Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài trò chuyện với gia đình anh Nguyễn Công Thành, ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu. |
“Một nửa” của bộ đội nơi biên giới
Cuối năm, mặc dù chân bị khớp sưng tấy, nhưng mỗi ngày ông Lê Xuân Phóng, 60 tuổi, ngụ ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) vẫn đến thăm chốt Cầu Trắng, thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Mộc Bài. Vui chuyện, ông Phóng kể những kỷ niệm với cán bộ, chiến sĩ biên phòng cho chúng tôi nghe. Trước đây, ấp Rừng Dầu luôn là điểm “nóng” về an ninh trật tự, nạn buôn lậu rất nhức nhối. Đối tượng buôn lậu cũng có không ít người là bà con trong ấp. Chính vì vậy, công tác đấu tranh của BĐBP luôn gặp khó khăn. Đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc tuần tra, mật phục, song khi bộ đội rút khỏi địa bàn, tình hình lại "tái phát". Có thời điểm, khi thấy BĐBP, có người dân còn né tránh khiến anh em rất khó tiếp cận với bà con.
Lúc ấy, Thiếu tá QNCN Võ Văn Củ, nhân viên Đội vận động quần chúng (VĐQC) được giao nhiệm vụ làm công tác VĐQC tại ấp Rừng Dầu. Qua tìm hiểu, phối hợp với đoàn thể địa phương, anh Củ đến gia đình ông Phóng để thực hiện “ba cùng” với nhân dân. Ngoài thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, anh Củ luôn tận tâm giúp gia đình ông Phóng mọi việc từ gặt lúa, trồng rau, cắt cỏ nuôi bò đến hướng dẫn em nhỏ học bài. Thời gian trôi qua, anh Củ trở thành người thân trong gia đình ông Phóng. Được gia đình tin yêu, anh Củ mới khéo léo tuyên truyền cho mọi người về những quy định pháp luật bảo vệ an ninh biên giới. Anh Củ chăm chỉ lại có duyên, chị Lê Thị Phượng là con gái ông Phóng đã "thầm mong trộm nhớ" anh lúc nào không biết. Yêu nhau tha thiết, cuối năm 1997, anh chị chính thức nên duyên. Để giúp con công tác, ông Phóng đã hiến hơn 200m2 đất cho đơn vị xây dựng chốt tạm tại ấp. Có chốt biên phòng tại ấp, cán bộ, chiến sĩ có điều kiện bám địa bàn vừa giúp nhân dân sản xuất, vừa làm công tác nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn ông Phóng, cùng với hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh tích cực tuyên truyền khuyên con cháu chấp hành quy định nơi biên giới, không tham gia buôn lậu nữa. Gia đình ông Phóng trở thành điển hình tiên tiến trong Phong trào “Toàn dân tự quản đường biên, cột mốc”, được UBND tỉnh Tây Ninh khen thưởng. Kiên trì vận động, giáo dục, cán bộ, chiến sĩ đã cùng địa phương, nhân dân chuyển hóa địa bàn, xây dựng ấp Rừng Dầu là ấp văn hóa liên tục từ năm 2002 đến nay.
Đến ấp Phước Hưng, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, chúng tôi cũng được nghe câu chuyện nên duyên từ công tác VĐQC của Thượng úy Nguyễn Văn Thắng, Đội trưởng Đội VĐQC, Đồn Biên phòng Phước Chỉ. Chuyện là năm 2013, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Nguyễn Văn Thắng về đồn nhận công tác. Nơi biên cương gian khó, an ninh phức tạp nên thời gian đầu Nguyễn Văn Thắng cũng thấy nản lòng. Được đồng đội hỗ trợ, cấp trên hướng dẫn, anh tích cực tham gia công tác và có nhiều sáng tạo trong công tác VĐQC. Ấp Phước Hưng cũng là điểm “nóng” về buôn lậu, vi phạm an ninh biên giới. Khắc phục vấn đề này, Nguyễn Văn Thắng chủ động phối hợp với nhà trường tuyên truyền các quy định pháp luật cho học sinh, qua đó các em tác động đến bố mẹ, người thân. Say mê công tác, cái duyên đã đưa Nguyễn Văn Thắng và Phạm Thị Tường Vi, giáo viên Trường Tiểu học Bình Thạnh, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng đến với nhau. Sau ngày cưới, cuộc sống của vợ chồng trẻ vùng biên ải tuy bộn bề khó khăn nhưng họ luôn hạnh phúc, thương yêu giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi ngày, anh Thắng miệt mài xuống xóm, ấp giúp nhân dân sản xuất; còn cô giáo Tường Vi cần mẫn “gieo chữ” cho các em nhỏ, đồng thời khéo léo tuyên truyền quy định bảo vệ biên giới cho các em. Từ điểm “nóng” về buôn lậu, an ninh, Nguyễn Văn Thắng cùng đồng đội, nhân dân xây dựng ấp Phước Hưng trở thành điểm sáng văn hóa của xã Bình Thạnh.
Được biết, 40% cán bộ, QNCN của BĐBP tỉnh Tây Ninh lên biên giới công tác đều chọn biên cương làm quê hương thứ hai. Đó cũng là điều kiện, kinh nghiệm để các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hạnh phúc đơn giản của các anh chính là điểm tựa để nhân dân bám biên, xây dựng biên giới bình yên.
Đại tá Nguyễn Hải Lưu, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Để các gia đình quân nhân sớm ổn định, đơn vị luôn phối hợp với địa phương giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Đơn vị cũng phối hợp với chính quyền địa phương gắn phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia trong tình hình mới” với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương”. Thực hiện “ba cùng” với nhân dân, năm 2016, BĐBP tỉnh đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 20 căn nhà tình thương, tình nghĩa tặng người nghèo, quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với các lực lượng giúp nhân dân làm mới, sửa chữa 62km đường giao thông nông thôn, 8,2km kênh mương nội đồng… Nhân dân, đoàn thể địa phương phối hợp với bộ đội tổ chức 914 lượt tuần tra, nhân dân cũng cung cấp cho bộ đội 439 tin an ninh, giúp đơn vị ngăn chặn hiệu quả tội phạm, xây dựng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phát triển kinh tế, xã hội vùng biên cương gian khó.
Cảm hóa các đối tượng
Trời chập choạng tối, vừa từ Công ty Cổ phần Việt Nam Mộc Bài trở về nhà, anh Nguyễn Công Thành, ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu lại tranh thủ chăm sóc 600m2 rau xanh, đàn gia cầm hơn 100 con. Anh Thành tâm sự: “Tuy thu nhập 5 triệu đồng/tháng, nhưng tôi luôn thoải mái tinh thần vì không phải ẩn nấp, vận chuyển hàng lậu như trước nữa. Có cuộc sống như hôm nay cũng nhờ BĐBP đấy!”.
Con anh Thành bị tật nguyền, chị Nguyễn Thị Chính là vợ anh phải ở nhà chăm con, nhiều tài sản trong nhà cũng đem bán để chữa bệnh cho cháu. Nhà sát biên giới thông thạo địa hình, nắm được hoàn cảnh khó khăn, nên các đối tượng xấu đã lôi kéo anh Thành nhận chở hàng lậu thuê qua biên giới. Biết chuyện, Thiếu tá Phạm Văn Xá, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài thường xuyên đến thăm, tặng quà, chăm sóc cháu Nguyễn Văn Nuôi bị tật nguyền. Thân thiết với anh Xá, mọi khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, anh Thành đều tâm sự với anh Xá. Để giúp anh Thành, năm 2013, anh Xá làm hồ sơ xin anh Thành vào làm công nhân Công ty Cổ phần Việt Nam Mộc Bài. Được phổ biến pháp luật, có việc làm ổn định, anh Thành không tham gia buôn lậu mà còn tích cực vận động mọi người chống buôn lậu. Đây là một trong số 17 người dân trên địa bàn mà Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài đã vận động từ bỏ buôn lậu từ năm 2013 đến nay.
Còn tại Đồn Biên phòng Phước Chỉ, cán bộ, chiến sĩ cũng vận động 11 đối tượng không còn tiếp tay cho buôn lậu. Anh Mang Hồng Liêm, ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, có 2ha ruộng, song anh không làm ruộng mà nhận canh đường thuê cho bọn buôn lậu với mức 7 triệu đồng/tháng. Được bộ đội vận động, hướng dẫn vay vốn sản xuất, anh Liêm mở trang trại, mỗi tháng thu nhập hơn 8 triệu đồng, từ bỏ tham gia buôn lậu. Thời gian qua, các đồn biên phòng đã vận động hàng trăm đối tượng không còn tham gia buôn lậu, tích cực phối hợp cùng bộ đội giữ vững an ninh, phòng, chống tội phạm. Từ năm 2013 đến nay, BĐBP tỉnh đã cảm hóa hơn 100 đối tượng.
“Cảm ơn Bộ đội Việt Nam nhiều lắm!”
Cháu Mol-Xrây-Na, học lớp 4, ngụ ấp Tà Bắp, phường Bà Vét, TP Bà Vét, tỉnh Svây Riêng, Cam-pu-chia. Bố cháu bị bại liệt nên năm 2014 cháu phải bỏ học. Đầu năm 2015, biết hoàn cảnh của gia đình cháu Mol-Xrây-Na qua bộ đội biên phòng nước bạn, Trung tá Trần Văn Thuôn, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài đã đề xuất đơn vị hỗ trợ 500.000 đồng/tháng giúp cháu trở lại trường. Hằng tháng, mỗi cán bộ tiết kiệm 20.000 đồng, chiến sĩ 2.000 đồng. Mol-Xrây-Na xúc động nói: “Nếu không có BĐBP Việt Nam giúp đỡ, cháu sẽ không có điều kiện đến trường”. Hiện Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài nhận đỡ đầu 3 học sinh khó khăn của nước bạn.
Đồn Biên phòng Phước Chỉ cũng nhận đỡ đầu em Chưng-Sok-Triết-Nam, học lớp 6, Trường Tiểu học Prasat, ngụ xã Prasat, TP Bà-Vét với mức trợ giúp 500.000 đồng/tháng, do cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm. Hiện, BĐBP tỉnh Tây Ninh đã nhận đỡ đầu 46 học sinh là con nhân dân biên giới Tây Ninh và các địa phương giáp biên của Cam-pu-chia đến năm 18 tuổi, hoặc khi gia đình các em đã thoát nghèo. Trong năm 2016, đơn vị còn vận động các nhà hảo tâm tặng sách, vở cho học sinh nghèo vùng biên trị giá 196 triệu đồng, tiêm chủng mở rộng hơn 3.100 trẻ, vận động 41 học sinh bỏ học trở lại trường. BĐBP tỉnh Tây Ninh còn xây dựng Trạm Y tế Quân dân y Hữu nghị biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia ở xã Biên Giới, huyện Châu Thành để khám, chữa bệnh cho người nghèo vùng biên. Việc làm cụ thể của BĐBP tỉnh Tây Ninh đã góp phần tô thắm phẩm chất của người chiến sĩ quân hàm xanh nơi biên giới, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia./.