Tự chủ Đại học: Cấp bách xây dựng lại niềm tin xã hội
Đó là ý kiến của GS.TSKH. Đặng Ứng Vận, Trường Đại học Hòa Bình Hà Nội nói về việc thực hiện Tự chủ và trách nhiệm trong giáo dục đại học hiện nay.
Cần xây dựng lại niềm tin đối với xã hội về giáo dục đại học |
Tự chủ cho các trường đại học không phải là vấn đề mới, lâu nay đã nhiều cuộc bàn luận, nhiều hội nghị, hội thảo đề cập đến. Trên thế giới, ngay cả ở những nước có nền giáo dục đại học hàng đầu như Hoa kỳ, về phương diện lý luận và thực tiễn tự chủ đại học vẫn là một nội dung cốt lõi trong những cuộc thảo luận về phát triển giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã từng bước giao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường đại học nhưng kết quả vĩ mô của các động thái này, xem chừng chưa rõ rệt. “Chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề cải thiện còn chậm”; “nhiều hạn chế yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo … vẫn chậm được khắc phục”.
Báo cáo phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, một lần nữa nhấn mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo. Quyền tự chủ được xem như giải pháp quan trọng để giải phóng sức sáng tạo của trường đại học trong việc thực hiện sứ mệnh của mình .
Mặt khác, việc gia tăng quyền tự chủ cho các trường đại học có nơi, có lúc làm cho hệ thống giáo dục đại học trở nên kém ổn định hơn – ví dụ, tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh - đã khiến cho những người quan tâm đặt câu hỏi rằng có phải giao quyền tự chủ cho các trường đại học là liệu pháp tiên quyết để tăng chất lượng hệ thống và để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cần làm những gì để việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học đạt được hiệu quả mong muốn?
Trách nhiệm của Nhà nước
Trả lời câu hỏi trên, GS Đặng Ứng Vận cho rằng, trong vài thập kỷ qua, các trường đại học trên toàn thế giới ngày càng được khuyến khích tiếp thu những hành vi giống như thị trường với hy vọng rằng một số hiệu quả đạt được của cơ chế thị trường có thể mở rộng đến khu vực giáo dục đại học.
Giáo dục đại học, tuy nhiên, không giống như hàng hóa khác, bị cản trở bởi một số thất bại thị trường vốn có được dùng để biện minh cho một vai trò lớn hơn của chính phủ. Những thất bại của thị trường bao gồm các yếu tố bên ngoài, thông tin không đối xứng ở các cấp độ khác nhau của giáo dục đại học, và khả năng độc quyền do "sức mạnh thị trường’ của các trường công.
Một lý do khác khiến cho chính phủ đóng vai trò lớn hơn trong giáo dục đại học là vì ngoài hiệu quả ra, cân nhắc hiệu quả đồng vốn bỏ ra và công bằng xã hội vẫn còn quan trọng đối với nhà nước.
Tăng mức tự chủ được đi kèm với các cấp độ “trách nhiệm” vì giáo dục đại học đang chuyển dần từ hệ thống kiểm soát nhà nước sang hệ thống giám sát nhà nước. Nhưng câu hỏi đặt ra là những ai trong xã hội sẽ thực hiện chức năng giám sát này theo một cách đáp ứng có hiệu quả những nhu cầu trừu tượng của xã hội mà không phải của một nhóm riêng biệt.
Không ai khác là Chính phủ cần phát triển các cơ chế ‘trách nhiệm’ thay thế khi các hệ thống chuyển hướng tới nhà nước giám sát và việc kiểm soát trực tiếp được nới lỏng, đặc biệt là về các vấn đề tài chính (Huisman và Currie 2004: 532-533)… Chính phủ có thể quy trách nhiệm và có thể tìm cách đảm bảo rằng các trường đại học chịu trách nhiệm cho tất cả những điều về: tính toàn vẹn học thuật, toàn vẹn tài chính, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chất lượng và sự phù hợp của đầu ra, và đảm bảo công bằng xã hội (Salmi 2008:11)
Việc xã hội và doanh nghiệp gia tăng sự hoài nghi về chất lượng và việc học của sinh viên Việt Nam hiện nay phải xem như là một sự xói mòn lòng tin đối với các trường cao đẳng và đại học. Khi niềm tin của xã hội đối với hệ thống giáo dục đại học bị giảm sút thì bất kể quyền tự chủ được giao ở mức độ nào nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm.
Thách thức quan trọng đối với các trường đại học
Từ những phân tích trên, GS Vận khuyến nghị: đầu ra tốt hơn của giáo dục đại học và cách tiếp cận tốt hơn về trách nhiệm là rất cần thiết đối với giáo dục đại học. Đáp ứng cùng lúc lợi ích công và lợi ích riêng của trường là một bài toán đa biến.
“Khuyến nghị của chúng tôi là các nhà hoạch định chính sách và các nhà giáo dục cần dựa trên nguyện vọng và niềm tin của người dân và các nguyên tắc cơ bản về trách nhiệm để có được những lựa chọn hiệu quả và biết đánh đổi (trade-off) khi cần thiết. Các nhà hoạch định chính sách, các Hiệu trưởng, các Hội đồng trường, phụ huynh, sinh viên, nhà tuyển dụng, các nhà lập pháp, các hội nghề nghiệp, các cơ quan kiểm định chất lượng và các bên liên quan khác cần có đóng góp tích cực và hiệu quả để làm nên quá trình chịu trách nhiệm của Nhà nước” – GS Vận nói.
Tuy nhiên, theo GS Vận, có sự khác biệt rõ ràng về nhận thức, ý nghĩa, và các thành phần của "chịu trách nhiệm" vì nó liên quan đến các nhiệm vụ, mục tiêu và kỳ vọng vào giáo dục đại học của các bên liên quan khác nhau.
Một số những thách thức quan trọng đối với các trường là: Duy trì chất lượng cao và tiếp cận với giáo dục sau trung học, mặc dù kinh phí giảm; Đáp ứng nhu cầu tuyển sinh gia tăng từ các quần thể dân cư ngày càng đa dạng về mục đích, tâm nguyện và kiến thức nền tảng của việc học đại học của họ; Đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về người lao động phức tạp và có tay nghề cao; Giải quyết sự hoài nghi của công chúng về chất lượng và chi phí.
GS Vận cho rằng, để giải quyết những thách thức này, đặc biệt cần thiết các phương pháp tiếp cận mới tới tính chịu trách nhiệm công của giáo dục đại học. Cần thiết kế, phát triển và vận hành hệ thống chịu trách nhiệm của nhà nước mà ở tâm điểm của nó là một quá trình giao tiếp. “Chịu trách nhiệm” muốn thành công đòi hỏi phải truyền thông trình bày, thảo luận, hóa giải bất đồng, đàm phán, thỏa hiệp ... trong một nhóm đa dạng người dân đại diện cho các bên liên quan.
Cụ thể, cần thống nhất về các ưu tiên cơ bản. Trong chính sách giáo dục đại học có thể phân biệt hai loại ưu tiên "ưu tiên công cộng" và "ưu tiên nhà trường" thường có vẻ khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nên cần phải được đối mặt và giải quyết.
Ưu tiên công cộng bao gồm: cải thiện nhập học, tỷ lệ tốt nghiệp và việc học tập; tăng hiệu quả; thu hẹp khoảng cách thành tích học tập của sinh viên; tiến hành những nghiên cứu có lợi ích kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống trong cộng đồng; và cung cấp những sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động trình độ cao.
Ưu tiên nhà trường thường được thể hiện bằng sự cạnh tranh với các trường khác. Trường cạnh tranh để có được nguồn lực và uy tín, tuyển dụng được sinh viên và giảng viên giỏi, và "nâng cấp" sứ mệnh của họ (ví dụ như từ trường định hướng ứng dụng nghề nghiệp sang định hướng nghiên cứu).
Các Hiệu trưởng đại học cần sắp xếp hợp lý các ưu tiên nhà trường với những mục tiêu công cộng về thành tích sinh viên, nghiên cứu đẳng cấp thế giới, năng suất gia tăng, đánh giá chính xác và cải thiện hiệu suất đầu tư.
GS.TS Đặng Ứng Vận |
Lãnh đạo nhà nước, cùng với các nhà giáo dục, thực hiện các sáng kiến được thiết kế tốt và khả thi để giải quyết các ưu tiên công cộng cho giáo dục đại học. Hệ thống dữ liệu công cộng phải giám sát các vấn đề quan trọng, tập trung vào các mục tiêu, thông báo kết quả cho công chúng, và cung cấp cho các trường các thông tin mang tính xây dựng và chẩn đoán.
Có thể lấy một ví dụ cho vai trò của thông tin. Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên tin tức gần 200.000 cử nhân thất nghiệp mà cơ quan cung cấp thông tin không có lí giải gì.
Điều này giống như là một lời khuyên không nên chọn con đường đi học đại học nữa.
Cũng thông tin đó, với một ý thức trách nhiệm hơn, cho đúng với nghĩa accountability, thì cơ quan đó cần cho xã hội biết rõ một cách minh bạch rằng những cử nhân thất nghiệp đó thuộc ngành nghề đào tạo nào, của cơ sở giáo dục nào và đã từng xin việc ở đâu mà không được chấp nhận.
Thông tin đầy đủ như vậy có thể định hướng cho thí sinh và phụ huynh lựa chọn ngành nghề, nhà trường thay đổi các chuyên ngành đào tạo, cơ sở giáo dục tự nhìn nhận lại mình về chất lượng và nhà nước có thể đưa ra được những chủ trương điều chỉnh phân bố lực lượng lao động.
Lãnh đạo doanh nghiệp và công dân cần tham gia với các quan chức công và các nhà giáo dục để xác định các ưu tiên cụ thể hóa nhu cầu xã hội, xây dựng niềm tin đối với giáo dục đại học và quyết tâm tham gia cùng với nhà trường làm những việc cần làm để thành công.
Phân công thiết thực, tập trung vào những mục tiêu ưu tiên, đo lường nghiêm ngặt các kết quả và cam kết thực hiện sẽ xây dựng được lòng tin, duy trì cải tiến và mở cho các thế hệ tương lai những lợi ích và tương lai tươi sáng của hệ thống giáo dục đại học.
Cần xây dựng lại niềm tin
Tóm lại theo GS Vận, trong xu thế phát triển chung của thế giới, giáo dục đại học Việt Nam đang chuyển nhanh từ tinh hoa sang đại chúng và hệ quả tất yếu là chất lượng trung bình của hệ thống bị giảm sút. Sự dễ dãi về điều kiện nhập học và đầy ắp trên các phương tiện thông tin truyền thông tin tức về việc hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp đã khiến cho niềm tin xã hội bị xói mòn và động lực của sinh viên suy giảm.
Xây dựng lại niềm tin xã hội đối với giáo dục đại học là điều cấp bách hiện nay. Do tác động của cơ chế thị trường nên xu thế Bộ GD-ĐT ngày càng giao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường công. Tự chủ học thuật được giao trước và giờ đây là tự chủ phi học thuật nhằm tạo nguồn lực cho đổi mới.
Tuy vậy, tự chủ cần phải đi kèm với trách nhiệm. Trách nhiệm với xã hội và với chính nhà trường. Quyền tự chủ được giao càng lớn thì trách nhiệm của nhà trường phải càng cao và trách nhiệm giám sát của nhà nước càng quan trọng.
Các nhà hoạch định chính sách, các Hiệu trưởng, các Hội đồng trường, phụ huynh, sinh viên, nhà tuyển dụng, các nhà lập pháp, các hội nghề nghiệp, các cơ quan kiểm định chất lượng, và các bên liên quan khác cần có đóng góp quan trọng cho quá trình chịu trách nhiệm của nhà nước trong phát triển giáo dục đại học.