Trung Quốc và Nga lại đối đầu với Mỹ trong vấn đề vũ khí hạt nhân
Xác định đối thủ hạt nhân
Mỹ hiện đang tỏ ra quan ngại về việc kho vũ khí hạt nhân của mình trở nên lỗi thời và không còn sức răn đe hiệu quả nữa. Họ điểm danh Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran như các mối đe dọa mới trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.
Mỹ cho rằng Trung Quốc đang mở rộng “lực lượng hạt nhân vốn đã lớn của mình”.
Tàu ngầm của hải quân Mỹ. Ảnh: Wired. |
Báo cáo đánh giá vị thế hạt nhân (NPR) mà Lầu Năm Góc công bố vào hôm 2/2 nói rằng “Nga xem Mỹ và khối NATO là các đe dọa chính đối với tham vọng địa chính trị hiện nay của họ”.
“Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) hiện đánh giá Nga có một kho 2.000 vũ khí hạt nhân “phi chiến lược”, bao gồm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bom trọng trường và thủy lôi có thể đưa lên máy bay ném bom tầm trung” – báo cáo có đoạn.
Theo một quan chức Mỹ, DIA cũng đánh giá Nga có tên lửa và ngư lôi săn hạm, săn ngầm hạt nhân.
Báo cáo cũng công khai thừa nhận lần đầu tiên rằng Nga đang “phát triển một loại ngư lôi tự động liên lục địa chạy bằng năng lượng hạt nhân và có gắn đầu đạn hạt nhân”.
Theo báo cáo trên, khi quả ngư lôi này nổ, nó sẽ gây ra những vùng ô nhiễm phóng xạ rộng.
Các quan chức Mỹ mô tả quả ngư lôi này là một thiết bị không người lái có thể đi xa hàng ngàn dặm và đánh trúng các mục tiêu dọc theo bờ biển Mỹ.
Chủ trương hạt nhân mới của Mỹ
Quân đội Mỹ vừa cho rằng kho vũ khí hạt nhân của mình lớn quá, khi sử dụng sẽ quá mạnh nên họ muốn phát triển các trái bom có sức công phá nhẹ hơn cho phù hợp.
Báo cáo NPR cho rằng việc chế tạo các quả bom hạt nhân cỡ nhỏ (bom hạt nhân chiến thuật) có thể giúp xử lý các thách thức mới. Cụ thể họ sẽ cần phát triển các quả bom có sức công phá dưới 20 kiloton. Tất nhiên những quả bom như thế vẫn rất đáng sợ.
Chính sách mới của Mỹ cũng đề xuất (1) hiện đại hóa trên quy mô lớn các tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, tên lửa phóng từ tàu ngầm và các loại vũ khí phóng hoặc thả bằng máy bay, (2) chỉnh sửa các đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm để chúng có sức công phá thấp hơn.
Báo cáo NPR kêu gọi chỉnh sửa các đầu đạn hạt nhân hiện nay của Mỹ trên các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thông qua một kế hoạch 5 năm trị giá 50 triệu USD.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng những thay đổi mới này không tạo ra vũ khí mới và cũng không làm tăng quy mô kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và do đó không vi phạm các hiệp ước mà Mỹ đã ký liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Thông cáo hôm 2/2 của Tổng thống Mỹ Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng từ các kết luận của báo cáo NPR nói trên.
Phản ứng của Trung Quốc và Nga
Trước việc Mỹ có kế hoạch bổ sung thêm các trái bom loại “nhỏ hơn” để đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách hối thúc Mỹ từ bỏ “não trạng Chiến tranh Lạnh”.
Hôm 4/2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố: “Đất nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới [ám chỉ Mỹ - ND] nên chủ động đi theo xu hướng chung thay vì đi ngược lại”.
Trung Quốc nói họ phản đối mạnh mẽ việc Lầu Năm Góc xem xét lại chính sách hạt nhân của Mỹ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng Washington đã thổi phồng mối đe dọa hạt nhân từ Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho rằng chính sách hạt nhân của mình mang bản chất phòng vệ.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc có đoạn: “Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ từ bỏ "não trạng Chiến tranh Lạnh" của mình, nghiêm túc đảm nhận trách nhiệm giải trừ quân bị đặc biệt, hiểu đúng ý định chiến lược của Trung Quốc và khách quan xem xét việc Trung Quốc xây dựng quân đội và quốc phòng”. Họ cũng nói mình “kiên quyết đi theo con đường phát triển hòa bình”.
Bộ Ngoại giao Nga cũng không tin vào cách lý giải của Mỹ. Bộ này đã tố Mỹ là kích động chiến tranh và tuyên bố Nga sẽ có “các biện pháp cần thiết” để bảo đảm an ninh cho mình.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ “sự lấy làm tiếc sâu sắc” về kế hoạch hạt nhân mới của Mỹ./.