Trừng phạt Nga: Quyết định "Tiến thoái lưỡng nan" của Tổng thống Trump
Trong suốt năm 2016, cả ông Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều phàn nàn rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga là mối đe dọa lớn nhất trong mối quan hệ vốn đã nhiều phức tạp giữa hai nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
Kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ đến nay, đã 6 tháng trôi qua, những nghi vấn liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ vẫn luôn là chủ đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ ngày 22/7 đã nhất trí về một dự luật bao gồm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Đây rõ ràng là điều mà cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều không mong muốn.
Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được trình Hạ viện xem xét vào ngày 25/7, sau đó là Thượng viện và cuối cùng trình Tổng thống Donald Trump ký ban hành vào cuối tháng 7.
Thử thách lần này đối với Tổng thống Trump được đánh giá là thực sự khó khăn. Ông Trump nắm trong tay quyền phủ quyết và buộc phải đưa ra quyết định có thể là quan trọng nhất sau 6 tháng cầm quyền, liệu ông có dám dùng quyền phủ quyết hay không khi cả các nghị sĩ của đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang sục sôi tâm lý muốn trừng phạt Nga?
Cho đến giờ phút này, người ta mới chỉ rõ về việc Nhà Trắng phản đối phần quan trọng nhất của dự luật, theo đó cho phép xem xét lại bất kỳ quyết định nào của Tổng thống trong tương lai để sửa đổi hoặc chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga.
Ông Donald Trump sẽ phải trình báo cáo lên Quốc hội về bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến “thay đổi đáng kể” trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga. Quốc hội Mỹ sẽ có 30 ngày để quyết định có chấp thuận đề xuất của Tổng thống hay không.
Thông điệp không rõ ràng từ Nhà Trắng
Ngày 23/7, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết bản dự luật ban đầu được soạn thảo không tốt nhưng Nhà Trắng hiện đã có thể làm việc với Thượng viện và Hạ viện để đưa ra những thay đổi cần thiết và Tổng thống sẽ chấp nhận luật pháp.
“Chính quyền ủng hộ việc phải cứng rắn với Nga, đặc biệt là đưa ra biện pháp trừng phạt đúng đắn và chúng tôi ủng hộ luật pháp hiện nay”, bà Sarah Huckabee Sanders nói với ABC News.
Tuy nhiên, tân Giám đốc phụ trách bộ phận truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci lại nói với kênh CNN rằng: “Bạn cần phải hỏi Tổng thống, ông ấy chưa đưa ra quyết định về chuyện này”.
Tân Giám đốc phụ trách bộ phận truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci. Ảnh: Getty. |
Các nghị sĩ của cả phe Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ dự luật nói trên mong đợi rằng, dự luật sẽ gửi đến Tổng thống một thông điệp cụ thể để ông Trump có đường lối cứng rắn hơn với ông Putin.
Mặc dù vậy, các quan chức Nhà Trắng không đồng tình vì cho rằng dự luật này chẳng khác nào sợi dây “trói tay” Tổng thống và rằng ông Trump cần có đủ thẩm quyền để thay đổi các biện pháp trừng phạt Nga tùy thuộc vào những tiến triển trong quan hệ hai nước.
Tổng thống Trump hiện đang ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi ngay từ đầu, ông đã ủng hộ mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga nhưng nếu phản đối dự luật lần này, ông sẽ vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của các nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump chắc chắn cũng phải cẩn trọng trong hành động bởi sẽ có nhiều suy diễn xung quanh việc dỡ bỏ hay áp đặt thêm các lệnh trừng phạt Nga với cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm hiểu xem có hay không mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với các đối tác Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.
Các nhà điều tra hiện vẫn đang cố gắng làm rõ những tình tiết liên quan đến cuộc gặp giữa một luật sư người Nga với Donald Trump Jr. - con trai cả của Tổng thống Mỹ, với con rể của ông Trump là Jared Kushner và sau đó là với quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump Paul Manafort.
Ông Trump thực sự không muốn mạnh tay với Nga?
Các cơ quan tình báo Mỹ khẳng định Nga đã “hack” dữ liệu của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và tiết lộ thông tin ứng cử viên Hillary Clinton sử dụng email cá nhân cho việc công với ý đồ rõ ràng là nhằm giúp đỡ ông Trump.
Những cáo buộc liên quan đến Nga tiếp tục khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đau đầu. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, ông Scaramucci cho biết Tổng thống Donald Trump vẫn không tin rằng Nga đứng sau vụ tấn công mạng nói trên.
Phát biểu ngày 23/7, ông Scaramucci cho biết: “Hôm trước, có người nói với tôi rằng, nếu thực sự Nga xâm nhập và làm rò rỉ số email đó, bạn sẽ không bao giờ nhận biết được và cũng không thể có được bất kỳ bằng chứng nào về hành động của họ. Điều này khiến họ hết sức tự tin về kỹ năng lừa dối và xâm nhập của họ. Có thể họ đã làm điều đó nhưng cũng có thể họ chẳng làm gì cả”.
Khi được hỏi ai đã nói với ông điều đó, ông Scaramucci trả lời: “Tổng thống. Ông ấy đã gọi cho tôi từ Air Force One".
Dự luật tăng cường trừng phạt Nga sẽ đánh vào lĩnh vực năng lượng, khiến cho các công ty Mỹ khó có thể tham gia vào các dự án làm ăn với các doanh nghiệp Nga. Các công ty dầu khí và khí đốt của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng động thái này có thể gây rắc rối cho họ và mang lại lợi ích cho Nga.
Không giống như những người làm kinh tế, các nghị sĩ Mỹ đơn giản cảm thấy hả hê khi đạt được sự đồng thuận trong việc hướng mũi dùi công kích về phía Nga.
Thượng nghị sỹ Dân chủ Ben Cardin nói: “Một Quốc hội gần như thống nhất hoàn toàn đã sẵn sàng gửi đến Tổng thống Nga Putin một thông điệp rõ ràng nhân danh người Mỹ và các đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi cần Tổng thống Trump giúp gửi đi thông điệp đó”.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) đã lên tiếng cảnh báo vệ những “hậu quả to lớn và không lường trước được" đối với những nỗ lực nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng từ Nga và kêu gọi Mỹ phối hợp hành động với các đối tác của G7.
Trong một tuyên bố, EC cho biết: “Chúng tôi quan ngại về các biện pháp được thảo luận tại Quốc hội Mỹ bởi nó có thể gây ra những hậu quả xấu không chỉ với khối đoàn kết các nước G7 mà còn với lợi ích an ninh năng lượng và kinh tế Liên minh Châu Âu”.
Từ Moscow, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitri Peskov lên tiếng gọi dự luật tăng cường trừng phạt Moscow là “cực kỳ tiêu cực”.
Khi các biện pháp trừng phạt được ký ban hành thành luật, sẽ rất khó dỡ bỏ hoặc nới lỏng, ngay cả khi hoàn cảnh dẫn đến trừng phạt thay đổi. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ và những người ủng hộ quan hệ tốt đẹp hơn với Nga phản đối dự luật./.