“Trò chơi chính trị” của Mỹ và Triều Tiên bên thềm Thế vận hội
Theo tờ Washington Post, trong một động thái chắc chắn là khiến Bình Nhưỡng thất vọng, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ đưa cha của Otto Warmbier - một sinh viên người Mỹ từng bị bắt giữ ở Triều Tiên, tới lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông PyeongChang.
Mỹ và Triều Tiên đang chơi bài chính trị bên thềm Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc. Ảnh: Daily Express |
Trong khi đó, Triều Tiên lại cử ông Kim Yong Nam, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên làm người dẫn đầu phái đoàn cao cấp tới tham dự lễ khai mạc Olympic PyeongChang 2018. Đây là một trong những quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc.
Bên lề Thế vận hội, Bình Nhưỡng cũng dự kiến có cuộc diễu binh quy mô lớn để kỷ niệm thành lập quân đội với hàng trăm tên lửa và rocket. Động thái này gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, quân đội của Bình Nhưỡng không nên bị đánh giá thấp.
Cuộc đấu chính trị
Cuộc đấu chính trị giữa Mỹ và Triều Tiên không phải bây giờ mới bắt đầu. Trong thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước, ông đã lên án Triều Tiên, nói rằng đây là một chế độ “liều lĩnh” và “độc ác”.
Tổng thống Donald Trump nhắc lại cái chết thương tâm của Otto Warmbier, một sinh viên đại học Virginia bị bắt giữ ở Bình Nhưỡng, và qua đời vài ngày sau khi trở về Mỹ, với những tổn thương nặng nề về não bộ.
Ông cũng đề cập đến Ji Seong-ho, một người tị nạn Triều Tiên hiện đang sống ở Seoul. Cả hai ông Ji Seong-ho và cha của Otto Warmbier đều có mặt tại hội trường Thông điệp Liên bang.
“Những kinh nghiệm trước đây đã cho chúng ta thấy sự nhượng bộ sẽ chỉ đổi lại sự gây hấn và khiêu khích. Tôi sẽ không lặp lại sai lầm của chính quyền trước đây đã đưa chúng ta vào vị thế nguy hiểm”, Tổng thống Trump tuyên bố trong thông điệp liên bang.
Sự tham dự của ông Fred Warmbier, cha của sinh viên Otto, tại Thế vận hội có thể thấy ông này sẽ xuất hiện ở một vị trí gần với các quan chức chính trị hàng đầu Triều Tiên tại Thế vận hồi mùa Đông PyeongChang. Điều này có thể là một động thái nhạy cảm đối với Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng thường nhạy cảm với những lời chỉ trích xung quanh việc nước này tham dự Thế vận hội. Bằng chứng là Bình Những đã hủy buổi biểu diễn nghệ thuật chung dự kiến diễn ra ở Thế vận hội để đáp trả những nội dung không mấy thân thiện của truyền thông Hàn Quốc.
Ông Rodger Baker, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Stratfor (Mỹ) nói rằng, Mỹ không coi việc làm ấm mối quan hệ gần đây giữa hai miền Triều Tiên là sự khởi đầu cho các cuộc đàm phán mà là động thái làm suy yếu một cách chiến lược quan hệ Mỹ - Hàn.
Theo ông Baker, Triều Tiên đã thể hiện rất rõ ràng rằng, các cuộc đối thoại hiện nay sẽ không hướng tới thảo luận phi hạt nhân hóa. Mỹ muốn chứng minh rằng, cách tiếp cận của mình với Bình Nhưỡng vì thế cũng sẽ không thay đổi.
“Mỹ cũng đang muốn nhấn mạnh rằng, sẽ không có sự tạm dừng hay trì hoãn đối với chính sách ngăn chặn. Do đó, các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn vốn được quyết định tạm dừng trong thời gian diễn ra Thế vận hội, sẽ sớm khởi động lại ngay khi sự kiện thể thao này kết thúc”, ông Baker nói.
Anwita Basu, nhà phân tích tại Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU) cho rằng, “mối quan hệ được cải thiện giữa hai miền Triều Tiên là điều mà Mỹ không cảm thấy thoái mái trong điều kiện hiện nay. Điều này lại đang bị xem là nguyên nhân cho một cuộc chiến ngoại giao và kết quả là căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên chắc chắn sẽ gia tăng.
Sự phô trương ngoại giao của Triều Tiên
Triều Tiên, về phần mình, cũng đã đưa ra những thông điệp khó hiểu.
Cuối tuần vừa qua, Triều Tiên thông báo, đoàn đại biểu tham dự Thế vận hội sẽ do ông Kim Yong Nam dẫn đầu. Ông Kim Yong Nam là cựu Bộ trưởng ngoại giao và vị trí hiện tại của ông là một trong 3 quan chức hàng đầu của Triều Tiên bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Trong một tuyên bố, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng, việc cử ông Kim Yong Nam tới Thế vận hội cho thấy sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng trong việc tìm cách cải thiện quan hệ liên Triều và hướng tới một kỳ Thế vận hội thành công.
Tuy nhiên, trước khi Thế vận hội khai mạc, Triều Tiên sẽ vẫn diễu binh quy mô lớn với hàng chục tên lửa tầm xa, để kỷ niệm ngày thành lập quân đội 8/2.
Ông Baker nói rằng, viện Stratfor đánh giá Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa trong năm nay và họ đã gần đạt đến cuối chương trình, do đó sẽ không có chuyện họ sẽ dừng lại và từ bỏ. “Điều này sẽ bao gồm cả phóng tên lửa đạn đạo hay thậm chí là thử bom hạt nhân trên Thái Bình Dương”.
Thế vận hội hòa bình?
Người dường như đang “đánh bạc” lại chính là Hàn Quốc. Sự tham gia của Triều Tiên tại Olympic đã trở thành câu chuyện lớn nhất tại một “trò chơi” bị chính trị hóa.
Điều này vấp phải sự chỉ trích ở Hàn Quốc rằng nước này đang bị bỏ quên tính quốc tế của sự kiện thể thao sắp tới, đặc biệt là sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên quyết định thành lập chung đội hockey nữ và cùng diễu hành dưới 1 lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc.
Theo ông Baker, chiến thắng về mặt ngoại giao cũng có thể hạn chế. “Lo ngại hiện nay của Seoul là xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng những động thái gần đây của chính quyền Trump lại đe dọa bất cứ bước tiến nào dù là ngắn hạn mà Hàn Quốc có thể đạt được”.
Nhà phân tích Anwita Basu nói rằng “Tình thế đặt Hàn Quốc ở một “điểm mù” nhạy cảm. Mỹ không hài lòng về sự bình thường hóa trong quan hệ liên Triều, nhưng cùng lúc đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên là thiết yếu và không thể dễ dàng rút khỏi đây”./.