Nguy cơ đối đầu tiếp diễn trên bán đảo Triều Tiên sau kỳ Thế vận hội?
Quyết định của Triều Tiên tham gia Thế vận hội Mùa Đông và việc Hàn Quốc trải thảm đỏ đón đoàn đại diện cấp cao của Triều Tiên được cộng đồng quốc tế coi là những bước đi tích cực, cho thấy dấu hiệu ấm nồng trong quan hệ liên Triều.
Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên tham dự Thế vận hội Mùa Đông. Ảnh: Sporting news. |
Tại Thế vận hội lần này, Triều Tiên đã cử một đoàn với khoảng 280 thành viên tham dự, bao gồm các vận động viên, hoạt náo viên, đội văn nghệ, nhà báo cùng các quan chức cấp cao. Lần đầu tiên trong 2 năm qua, một loạt các cuộc đàm phán liên Triều đã diễn ra trong bầu không khí xây dựng và cởi mở. Tuyến đường dây liên lạc nóng giữa hai bên cũng được khôi phục lại. Hai bên đã gạt bỏ những bất đồng để cùng nhau sánh bước trong lễ khai mạc Thế vận hội dưới cùng 1 ngọn cờ.
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn hoài nghi kỳ vọng nối lại quan hệ giữa hai bên và đã có nhiều câu hỏi đặt ra về việc tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ như thế nào một khi Thế vận hội Mùa Đông kết thúc ?
Chỉ là sự nồng ấm tạm thời?
Ông Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua thuộc đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho rằng Thế vận hội lần này chỉ là sự tan băng tạm thời trong quan hệ liên Triều. Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC ngày 16/2, ông nói: “Thế vận hội Mùa Đông đã giúp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vì tất cả mọi con mắt đều đổ dồn vào việc đảm bảo an toàn cũng như sự thành công của sự kiện thể thao lần này. Tuy nhiên, việc duy trì không khí cởi mở và thân thiện giữa các bên vẫn là một điều chưa chắc chắnbởi một loạt bất đồng và phát ngôn cứng rắn giữa Mỹ và Triều Tiên”.
Mỹ cam kết tiếp tục gia tăng tối đa sức ép của cộng đồng quốc tế đối với Triều Tiên cho đến khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đồng ý trở lại bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Còn phía Triều Tiên chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ mang chương trình hạt nhân của nước này ra đàm phán.
Ông Kim Xán Vinh, giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, nút thắt để tháo gỡ tình hình bán đảo vẫn là đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân chiến lược của Triều Tiên nhưng tại thời điểm này lại chưa nhìn thấy xu hướng như vậy. Triều Tiên chưa sẵn sàng đối thoạicòn Mỹquyết không thay đổi lập trường. Vấn đề then chốt vẫn cứ bế tắc, khả năng cục diện bán đảo leo thang căng thẳng trở lại vẫn rất lớn.
Mâu thuẫn Mỹ-Triều không dễ hóa giải
Hiện tại, mới chỉ có thể nhìn thấy bầu không khí hòa dịu trong mối quan hệ Triều-Hàn trong khi mâu thuẫn giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa được giải quyết.
Bất chấp sự lạc quan từ các quan chức trong Bộ Thống Nhất Hàn Quốc về sự hiện diện của Triều Tiên tại kỳ thế vận hội, cũng như hy vọng về việc nối lại quan hệ, và giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, đối với Mỹ, Triều Tiên vẫn bị coi là “một mối đe dọa.”
Trong năm 2017, thế giới đã chứng kiến hàng loạt căng thẳng leo thang giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đe dọa “tấn công phủ đầu Mỹ” bằng vũ khí hạt nhân, còn Tổng thống Donald Trump thì cảnh báo, bất cứ hành động khiêu khích nào từ Triều Tiên cũng sẽ bị đáp trả bằng “lửa và sự giận dữ” mà thế giới chưa từng được chứng kiến. Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic, hai bên đã giữ thái độ hết sức kiềm chế, tuy nhiên, theo các nhà quan sát, đây chỉ là “khoảng lặng trước cơn bão” và bất đồng giữa Mỹ Triều chỉ chờ dịp sẽ bùng phát trở lại.
Mới đây nhất, hôm 20/2, Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thông báo, ông Mike Pence từng lên kế hoạch gặp gỡ phái đoàn Triều Tiên bên lề Thế vận hội Olympic Mùa Đông tại Hàn Quốc, tuy nhiên, phía Triều Tiên đã hủy cuộc gặp vào phút chót. Bruce Gagnon, điều phối viên của Mạng lưới toàn cầu chống lại việc phát triển vũ khí hạt nhân nhận định, với ông Pence, việc Triều Tiên khước từ lời đề nghị đối thoại được coi là một điều “xấu hổ”. “Một trong những mục tiêu trong chuyến công du Hàn Quốc của Phó Tổng thống Mỹ là ngăn cản Triều Tiên đạt được mục đích gây dựng hình ảnh khác với thế giới cũng như giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với nước này. Có lẽ đây chính là lý do tại sao phái đoàn Triều Tiên hủy cuộc gặp với Mỹ”, ông Gagnon khẳng định.
Còn chuyên gia Douglas Paal- Phó Chủ tịch Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment cho rằng, nhiều khả năng sau kỳ thế vận hội lần này, Mỹ và Hàn Quốc sẽ nối lại cuộc tập trận thường niên. “Nếu tình huống đó xảy ra, thì chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến nhữngphản ứng mạnh mẽ từ phía Triều Tiên bởi Triều Tiên luôn coi cuộc tập trận chung Mỹ -Hàn là hành động khiêu khích, mô phỏng một cuộc xâm lược. Kịch bản có thể là Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành thử tên lửa hoặc hạt nhân. Điều đó sẽ khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng trở lại. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, một khi “trò chơi kết thúc”, ông nói.
Nhận định này của chuyên gia Douglas Paal không phải là không có cơ sở khi ngày 20/2, hãng thông tấn Yonhap dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tổ chức tập trận Giải pháp then chốt và Người bảo vệ Tự do Ulchi nhằm phát triển Chiến lược 4D, gồm phát hiện, làm gián đoạn, phá hủy và phòng thủ, đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.Còn Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết các thông tin chi tiết về cuộc tập trận sẽ được công bố sau khi Thế vận hội mùa Đông kết thúc vào ngày 18/3.
Mọi kỳ vọng đều trông đợi vào Hàn Quốc
Ông Douglas Paal cho rằng, Tổng thống Moon Jae-in mong muốn duy trì thiện chí đối thoại với Triều Tiên nhưng ông sẽ phải cảnh giác để tránh gây rạn nứt trong quan hệ Mỹ -Triều. Cho đến nay, Tổng thống Hàn Quốc đã thể hiện rất tốt vai trò này bằng những bước đi khôn khéo, một mặt khẳng định Washington là đồng minh quan trọng, mặt khác tìm cách giảm căng thẳng liên triều dựa trên cơ sở giải quyết những thách thức an ninh chung”.
Cần phải nhắc lại rằng, trong chuyến thăm Hàn Quốc, phái đoàn cấp cao Triều Tiên đã mời nhà lãnh đạo Hàn Quốc tới thăm nước này. Một lời đề nghị đầy thiện chí mà bất cứ vị Tổng thống Hàn Quốc nào cũng khó từ chối. Đối với ông Moon Jae-in – người ủng hộ đối thoại liên Triều, thì đây là cơ hội hiếm có và không thể bỏ lỡ để hòa giải với Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Moon Jae-in đã trả lời rất khôn khéo rằng “Chúng ta hãy khiến điều đó xảy ra bằng cách hoàn thành những điều kiện cần thiết trong tương lai”.
Giáo sư Trung Quốc đánh giá, Tổng thống Moon Jae-in dù vui mừng đón nhận lời mời nhưng lại hy vọng Triều Tiên tạo ra một số điều kiện hợp lý cho cuộc đối thoại tương lai. Theo suy đoán của ông, điều kiện mà phía Hàn Quốc mong muốn có thể là hy vọng Mỹ-Triều trực tiếp đối thoại cũng như mong muốn Triều Tiên cần chủ động tiến hành các bước đi thiết thực để Mỹ tin tưởng và sẵn sàng đối thoại”.
Park Yoon-bae chuyên gia phân tích của The Korea Times cho rằng, “Tổng thống đã khôn ngoan và thận trọng để không làm phật lòng cả Bình Nhưỡng và Washington. Với câu trả lời này, Tổng thống Moon Jae-in đã giảm bớt sự lo ngại của chính phủ Mỹ về việc tan băng nhanh chóng trong quan hệ liên Triều có thể làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn và các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên. Ông Park Yoon-bae cho rằng, Tổng thống Moon Jae-in có lẽ rất ấn tượng với chuyến thăm của đoàn đại diện cấp cao Triều Tiên, cũng như thông điệp mà em gáinhà lãnh đạo Kim Jong-un gửi cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, vẫn rất khó để khẳng định liệu hai bên sẽ tiến tới đối thoại hay không.”
Một số nhà quan sát nhận định, điều chính phủ Seoul cần làm bây giờ là chờ đợi Triều Tiên thực hiện các bước đi tích cực tiếp theo để thể hiện thiện chí hòa giải. Một mặt, Hàn Quốc cần giữ vững xung lực cho sự hòa giải liên Triều, mặt khác phải tăng cường hợp tác với Mỹ để đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc cần phải đóng vai trò tích cực hơn nữa để xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, đưa hai bên đến bàn đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận đột phá về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên./.