Triều Tiên và “mối quan hệ đặc biệt” với Malaysia
Malaysia là 1 trong số hơn 20 nước có Đại sứ quán đặt tại Bình Nhưỡng trong khi Kuala Lumpur là 1 trong khoảng 50 thủ đô có Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên. Người Malaysia là những công dân duy nhất trên thế giới được miễn thị thực khi tới Triều Tiên và ngược lại, công dân Triều Tiên tới Malaysia cũng không cần thị thực. Sơ qua, nhiều người có thể nhận định mối quan hệ giữa Triều Tiên và Malaysia khá đặc biệt.
Đại sứ quán Malaysia tại thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: China Press |
Chưa đầy một tháng trước, khó ai có thể ngờ quan hệ giữa 2 nước trở nên xấu đi tới mức Malaysia yêu cầu Đại sứ Triều Tiên Kang Chol phải rời Malaysia trong ngày 6/3. Cùng với đó, chính sách miễn thị thực với công dân Triều Tiên cũng chấm dứt.
Quan hệ đôi bên trở nên căng thẳng do cuộc điều tra vụ công dân Triều Tiên Kim Chol, người được cho thực chất là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur sáng 13/2.
Trước vụ Kim Chol, Malaysia và Triều Tiên vốn có mối quan hệ rất tốt đẹp
Cộng đồng người Triều Tiên ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia sống khá khép kín, ngoại trừ nhà hàng Koryo khá nổi tiếng do một tổ chức liên quan tới chính phủ sở hữu.
“Các công ty của Triều Tiên có liên hệ không trực tiếp với chính phủ. Đây là cánh cửa cho chính phủ Triều Tiên tiếp cận gián tiếp nguồn ngoại tệ và thị trường quốc tế cho công nghệ và sản phẩm của Triều Tiên” – Sufian Jusoh, chuyên gia cấp cao của Viên nghiên cứu Malaysia cho biết.
Tuy nhiên, không phải công ty nào của Triều Tiên ở Malaysia cũng hoạt động công khai như vậy.
Hãng tin Reuters ngày 26/2 dẫn một dự thảo báo cáo được Liên Hợp Quốc chuẩn bị đưa ra Hội đồng Bảo an tố Glocom (Global Communications Co.) bán thiết bị liên lạc vô tuyến chiến trường, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Theo đó, Glocom quảng cáo về hơn 30 loại hệ thống vô tuyến cho các tổ chức “quân sự và bán quân sự” trên website của công ty ở Malaysia.
Website Glocom đã ngừng hoạt động từ cuối năm 2016 còn địa chỉ liên hệ của công ty là ở khu Tiểu Ấn (Little India) ở Kuala Lumpur cũng không có người đón tiếp. Người phát ngôn phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc thì tuyên bố ông không có thông tin về Glocom.
Cùng với đó, việc Malaysia từng tổ chức đối thoại Triều Tiên – Mỹ và một trường đại học tư thục của Malaysia đã trao giải thưởng cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể khiến dư luận tin rằng mối quan hệ Triều Tiên – Malaysia thực sự đặc biệt.
Rạn nứt vì một vụ án mạng
Sau vụ án công dân Triều Tiên chết tại sân bay Kuala Lumpur, Triều Tiên liên tục đưa ra chỉ trích Malaysia “thiếu minh bạch” trong trong công tác điều tra.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đề nghị phái đoàn ngoại giao Triều Tiên xin lỗi về những cáo buộc mà Malaysia cho rằng “vô căn cứ”. Đến nay phía Malaysia chưa nhận được bất cứ lời xin lỗi nào và ông Razak cho biết cũng không mong chờ lời xin lỗi từ phía Triều Tiên.
Phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp Quốc hội hôm nay 6/3, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Reezal Merican Naina Merican cho rằng “quan hệ giữa hai nước đã bị ảnh hưởng và sẽ không thể trở lại như trước kia” dù chính phủ Malaysia chưa quyết định bước đi tiếp theo, chẳng hạn như xem xét lại quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur trước khi lên đường chuẩn bị về nước, Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol cho rằng hành động của chính phủ Malaysia đã hủy hoại quan hệ song phương.
“Tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những biện pháp thái quá mà chính phủ Malaysia tiến hành, điều đó đang hủy hoại quan hệ song phương” – ông Kang Chol nêu rõ.
Không hẳn đã là “mối quan hệ đặc biệt”
Nhà phân tích Prashanth Parameswaran của trang The Diplomat cho rằng quan hệ Malaysia – Triều Tiên không thực sự đặc biệt đến thế nếu nhìn bao quát hơn về chính sách đối ngoại của cả 2 nước.
Theo ông Prashanth, trong con mắt của Bình Nhưỡng, nguồn gốc mối quan hệ này bắt nguồn từ chiến lược mở rộng quan hệ của Triều Tiên với các nước đang phát triển nói chung bên ngoài khối Xã hội Chủ nghĩa nhằm tăng cường vị thế ngoại giao trên trường quốc tế vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Định hướng này dường như vẫn được phát triển cho tới ngày nay khi mà các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều có quan hệ khá tốt với Triều Tiên.
“Triều Tiên có vẻ hướng tới khu vực Đông Nam Á trong khoảng 10 đến 15 năm trở lại đây.” – Ông Joshua Snider, Giáo sư Đại học Nottingham nhận định tương tự trên truyền hình Al Jazeera.
Còn đối với Malaysia, thiết lập quan hệ với Triều Tiên là một phần của quá trình chuyển đổi sang cách tiếp cận không liên kết bằng chính sách đối ngoại độc lập hơn so với thời kỳ thân phương Tây trước năm 1967.
Thứ hai, theo ông Prashanth, quan hệ giữa Malaysia và Triều Tiên không nồng ấm như một số người nhận định bởi vì Malaysia luôn phải cân bằng giữa mong muốn có mối quan hệ hữu hảo với Triều Tiên và những mối quan hệ khác trong khu vực cũng như trên thế giới khác.
Và cuối cùng, theo ông Prashanth, thậm chí trước khi xảy ra vụ án Kim Chol, quan hệ song phương cũng đã có lúc căng thẳng vì hành động của Triều Tiên cũng như sức ép của cộng đồng quốc tế./.