Tổng thống Mỹ không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân
Bất chấp sự phản đối của hầu hết các đồng minh và quốc tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 tuyên bố không xác nhận việc Iran đang tuân thủ Kế hoạch hành động chung, hay còn được gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Trump cũng công bố chiến lược mới đối với Iran, trong đó nhấn mạnh đảm bảo Tehran sẽ không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong bài phát biểu ngày 13/10 từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như các đồng minh và cộng đồng quốc tế khi tuyên bố không xác nhận Tehran đang tuân thủ thỏa thuận này. Theo ông Trump, Mỹ không thể tiếp tục đi theo con đường được dự báo sẽ mang lại nhiều bạo lực và khủng bố hơn, không phục vụ và đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Thậm chí, nếu không có được một giải pháp tốt, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nói trên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) |
“Dựa trên thực tế vừa đưa ra, hôm nay tôi tuyên bố chúng tôi không thể và sẽ không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Chúng tôi không tiếp tục đi theo con đường mà kết cục được dự báo từ trước là sẽ mang đến nhiều bạo lực, nhiều khủng bố hơn và mối đe dọa thực sự từ vũ khí hạt nhân của Iran. Đó là lý do tại sao tôi đang chỉ đạo nội các làm việc chặt chẽ với Quốc hội và các đồng minh để giải quyết các sai sót nghiêm trọng của thỏa thuận trên, đảm bảo Iran không bao giờ có thể đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân”.
Mặc dù chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nhưng việc ông Trump không xác nhận Iran tuân thủ đồng nghĩa với việc Quốc hội Mỹ sẽ có thời hạn 60 ngày để thảo luận áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran. Quyết định của Tổng thống Trump, mặc dù đã được dự báo từ trước, đang làm dấy lên mâu thuẫn không chỉ trong nội bộ nước Mỹ mà còn giữa Mỹ với các cường quốc khác như Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và châu Âu. Quyết định này cũng trái với các đánh giá gần đây của giới chức quân đội và tình báo Mỹ, của hầu hết các đồng minh thân cận, và các tổ chức quốc tế quan trọng.
Ngay sau khi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên, hàng loạt nghị sỹ Mỹ, nhiều quốc gia và một số tổ chức quốc tế, kể cả Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế đã lên tiếng chỉ trích quyết định này, cho rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng. Trong bài phát biểu ngay sau đó, Tổng thống Iran Rouhani khẳng định thỏa thuận hạt nhân là không thể đàm phán lại. Iran cũng cam kết tiếp tục duy trì thỏa thuận trên đến khi còn phục vụ cho lợi ích quốc gia của nước này.
Trong khi đó, nhiều nghị sỹ Cộng hòa và một số đồng minh của Mỹ tại khu vực như Israel, A-rập Xê-út… lên tiếng ủng hộ Tổng thống Trump. Các ý kiến ủng hộ cho rằng, việc không xác nhận Iran tuân thủ giúp gia tăng sức ép của Mỹ và Hội đồng bảo an LHQ nhằm đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân với các điều khoản chặt chẽ hơn, có lợi cho Mỹ và một số nước.
Cũng trong tuyên bố trên, ông Trump đã đưa ra chiến lược mới đối với Iran. Nội dung chính của chiến lược này bao gồm loại bỏ tất cả các con đường mà chính quyền Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân, tập trung vô hiệu hóa các ảnh hưởng gây mất ổn định khu vực, ngăn chặn sự hỗ trợ của Iran cho khủng bố và các tay súng cực đoan. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết tái khôi phục các liên minh truyền thống và đối tác khu vực để cân bằng quyền lực. Chiến lược mới này thể hiện sự thay đổi lớn trong chính sách đối với Iran, chuyển từ can dự sang đối đầu trực tiếp.
Đánh giá về khả năng đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân, giới phân tích cho rằng Mỹ sẽ cần phải nỗ lực hơn rất nhiều nếu muốn có được các nhượng bộ từ phía Iran cũng như các nước khác trong nhóm P5+1. Trong trường hợp Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, tình hình sẽ còn xấu đi rất nhiều khi Iran không còn bị ràng buộc trong nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân. Lựa chọn duy nhất mà chính quyền Trump có thể áp dụng là sử dụng biện pháp quân sự thậm chí là nhượng bộ hơn thỏa thuận cũ nếu muốn Iran không theo đuổi vũ khí hạt nhân. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng quyết định của ông Trump vừa qua có thể sẽ mang lại nhiều tiêu cực cho nước Mỹ và cộng đồng quốc tế hơn là tích cực./.