Tòa án yêu cầu làm rõ trách nhiệm người chỉ đạo gửi tiền vào Oceanbank
Ngày 29/9, Tòa án Hà Nội đưa ra phán quyết cấp sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo cũng như đưa ra những kiến nghị xử lý các hành vi liên quan đến đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank.
Trong phần kiến nghị, tòa cho biết, tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ Oceanbank – cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khai và luật sư đã xuất trình các tài liệu về việc bị cáo Sơn không có thẩm quyền chỉ đạo các công ty con của PVN gửi tiền vào Oceanbank mà đây là chủ trương và chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn PVN.
HĐXX kiến nghị làm rõ nhiều vấn đề liên quan đại án Oceanbank. |
Do vậy, HĐXX kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ hành vi, trách nhiệm của những người có liên quan đến việc chỉ đạo các công ty thành viên của PVN gửi tiền vào Oceanbank. Nếu có vi phạm thì xử lý theo pháp luật.
Trước đó, trong quá trình diễn biến ở phiên tòa, khi được triệu tập đối chất lời khai lãnh đạo của Liên doanh Dầu khí Việt Nga (Vietsovpetro) cho biết, việc gửi tiền vào Oceanbank là theo văn bản chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn PVN thời kỳ đó.
Ở quá trình tranh tụng, luật sư Nguyễn Minh Tâm – luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn khi đưa ra quan điểm bào chữa cho biết, giữa PVN do ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT và Oceanbank, Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT đã có văn bản thỏa thuận cam kết.
Theo đó, PVN hỗ trợ cho Oceanbank về tài chính, vốn phù hợp với các quy định của pháp luật, đồng thời sử dụng và khuyến khích các đơn vị trực thuộc/đơn vị thành viên của PVN sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, các dịch vụ liên quan do Oceanbank cung cấp.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc PVN còn có công văn yêu cầu các đơn vị thành viên và các đơn vị có vốn góp của PVN, các đơn vị có vốn góp của các đơn vị thành viên tập đoàn phối hợp với Oceanbank mở và phát triển hệ thống tài khoản thanh toán của đơn vị mình, các đơn vị thành viên, trực thuộc và các đối tác khách hàng truyền thống tại Oceanbank để tạo ra sự liên thông và hiệu quả trong quá trình thanh toán, chuyển tiền giữa PVN và các đơn vị, khách hàng được nhanh chóng và tiện lợi.
Sau văn bản này, lãnh đạo PVN đã có một số văn bản đốc thúc các thành viên của tập đoàn lập, mở tài khoản và thực hiện giao dịch tại Oceanbank.
Biến Oceanbank thành định chế của PVN
Trong văn bản số 3405/DKVN-HĐQT ngày 13/5/2009, do ông Đinh La Thăng ký yêu cầu các thủ trưởng đơn vị thành viên, người đại diện vốn góp, thủ trưởng các đơn vị vốn góp của PVN và các đơn vị có vốn góp của các đơn vị thành viên của PVN về việc gửi tiền vào Oceanbank.
Theo văn bản, PVN và các cán bộ công nhân viên tập đoàn đã hoàn thành việc tham gia góp vốn mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank, đồng thời tập đoàn đã giới thiệu các cán bộ giữ các vị trí quan trọng trong HĐQT, ban kiểm soát và bộ máy điều hành chung của Oceanbank.
Để tạo điều kiện cho Oceanbank nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng trở thành một “định chế tài chính” của PVN giống các định chế tài chính khác như: PVFC, PVI, PVFI, trong việc quản lý dòng tiền, thực hiện chuyển tiền và thanh toán giữa tập đoàn, các đơn vị thành viên của tập đoàn, các đơn vị có phần vốn góp của tập đoàn và các đơn vị có vốn góp của các thành viên PVN, góp phần nâng cao vị thế thương hiệu của tập đoàn, HĐQT tập đoàn đã đề nghị lãnh đạo các đơn vị trong ngành, người đại diện phần vốn góp của tập đoàn tại các đơn vị có vốn góp ủng hộ việc sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng và các dịch vụ liên quan khác về thanh toán, tín dụng, ngoại hối…
Theo Bản án sơ thẩm ngày 29/9, PVN đã gửi thời điểm cao nhất tại Oceanbank khoảng 30.000 tỷ đồng. Liên quan đến hành vi góp 800 tỷ đồng (chiếm 20% cổ phần của Oceanbank), cơ quan điều tra đã khởi tố một số nguyên lãnh đạo PVN để điều tra hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, HĐXX của Tòa án Hà Nội vẫn tiếp tục kiến nghị điều tra làm rõ hành vi của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc góp vốn và quản lý nguồn vốn góp của PVN tại Oceanbank để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật./.
Việt Đức/VOV.VN